TÌNH NGUYỆN VIÊN BẢO TỒN RÙA BIỂN – Ra Côn Đảo, làm tình… nguyện viên bảo tồn rùa biển ngó bộ cũng nhàn. Ai nói vậy chứ Gấu tui thì không nghĩ vậy. Ra đảo ở thì chỉ cần dùng tay chân thôi chứ chẳng phải dùng đến đầu óc nhiều như khi ngồi làm việc ở văn phòng đâu. Để kể mọi người về một ngày bình thường của tình nguyện viên bảo tồn rùa biển như thế nào nha. Câu chuyện được kể ra dựa vào những gì xảy ra ở bãi Dương, có thể giống mà cũng có thể khác so với những bãi rùa đẻ khác 😉

BÀI VIẾT KHÁC VỀ CÔN ĐẢO:

DU LỊCH CÔN ĐẢO – MÙA GIÓ CHƯỚNG

DU LỊCH CÔN ĐẢO – CÔN ĐẢO CÓ GÌ?

BÃI NHÁT – NƠI NGẮM HOÀNG HÔN ĐẸP NHẤT CÔN ĐẢO

5 ĐIỂM TÂM LINH PHẢI GHÉ KHI ĐẾN CÔN ĐẢO

BẢO TỒN RÙA BIỂN – BÃI DƯƠNG CÔN ĐẢO CÓ GÌ?

HÀNH TRÌNH RÙA CON VỀ VỚI BIỂN

Từ trái qua: đồng chí kiểm lâm Cường – bạn TNV Thuỳ Liên – bạn TNV Vinh Gấu – bạn cún Mập

Nếu mà có ổ trứng nào nở, việc đầu tiên trong ngày là đi thả chúng về với biển trước khi mặt trời mọc vì mắt của chúng còn yếu & nhạy cảm với ánh sáng lắm; và khi thuỷ triều còn cao để hạn chế bị các con vật khác ăn thịt như cua chẳng hạn.

Tham gia bảo tồn rùa biển, bạn cần biết những quy tắc nhất định khi thả rùa biển Côn Đảo này, như là:

  • Không chạm tay trực tiếp vào rùa con vì dầu trên da tay sẽ làm mất khả năng định hướng & ghi nhớ về nơi chúng được về với biển. Rùa biển có đặc tính rất thú vị là, rùa cái sẽ quay trở lại nơi nó được nở ra để về với biển khi chúng đến tuổi trưởng thành & đến mùa sinh sản.
  • Phải thả rùa từ cách mép biển khoảng 2-3m để chúng tự bò ra biển. Đây là giai đoạn để chúng ghi nhận các thông tin về nơi này thông qua từ trường trái đất, sóng âm,…
  • Không bóp chặt rùa con vì sẽ làm vỡ những bọc trắng phía dưới bụng của chúng, nơi sẽ chứa dinh dưỡng cho khoảng 5-7 ngày không ăn sắp tới của nó khi hướng ra đại dương.
  • Không chụp hình với đèn flash hay dùng đèn có ánh sáng trắng, vàng để rọi vào mặt rùa con trực tiếp.

Còn đoạn tiếp là khi không có ổ trứng nào nở nè 😹

Ở đất liền, ngày bình thường mình ngủ tới 7:30-8:00 mới mò dậy chuẩn bị khăn gói đi làm. Cuối tuần có khi trễ hơn. Nhưng ra tới bãi Dương với vai trò là TNV bảo tồn rùa biển thì khác, mình sẽ sống theo giờ giấc & cách sinh hoạt của các anh kiểm lâm ở đây.

Tầm 6:30 là mình đã nghe tiếng lục đục rửa chén bát tối hôm trước còn để đó rồi. Có lẽ cũng hiểu cho các bạn TNV nên anh kiểm lâm không đánh thức mình dậy sớm hơn. Nhưng một khi đã nghe vậy thì nỡ lòng nào ngủ thêm nữa cơ chứ, tui bèn ngồi dậy và nhanh chóng mần các việc cá nhân buổi sáng. Rồi phụ Cường nấu nước sôi hoặc nấu bữa sáng cho 3 đứa. Lúc thì mì gói trứng, lúc thì nui sườn, lúc thì cơm chiên… – mà chủ yếu là mì gói, cho lẹ. Có khi thì kết hợp cả tí cơm còn lại buổi tối và mì gói. Bình thường ở nhà hiếm lắm mới ăn mì gói, còn ra đây thì ăn suốt luôn. 😹

Xong rồi thì làm ấm trà nóng, ly cafe. Nhâm nhi xem Thời sự sáng trên VTV1 hay Cafe sáng trên VTV3. Đến tầm 8:30 thì xong các việc buổi sáng.

Ổn định cái bao tử rồi. Lao động tay chân thôi.

Ở bãi Dương có cái chòi ngoài gần bờ biển đang làm. Mình phụ Cường cưa mấy ống tre, ống nứa để hoàn thiện cái chòi ấy. Nắng thì làm, mưa thì nghỉ. Mà 9 ngày thì hết 6 ngày mưa pà nó rồi, nên mình cũng chẳng giúp được nhiều cho lắm :))

Rồi là đi vệ sinh ổ trứng rùa sau khi nở. Theo bản năng, rùa con sau khi nở sẽ cùng bầy đàn của chúng đạp cát, đạp lên vỏ trứng để bò lên mặt cát. Nên ở phía dưới ổ trứng sẽ có nhiều vỏ trứng đã nở thành công, cũng có cả vỏ trứng hư không phôi,… mình moi lên hết, đếm số trứng nở thành công, số hư để báo cáo. Từ đó sẽ biết được tỷ lệ nở của ổ trứng đó.

Hôm nào trời đẹp tí thì lại xuống đồ thường, lên đồ để đi tắm biển. Cả bãi chỉ có 3 người thì quá sướng còn giề. Ở đây lại được trang bị cả kính lặn, ống thở của Aqualung hẳn hoi, lại còn có chân vịt (fins) nữa chứ. Tranh thủ tận hưởng, ngắm nghía hệ sinh thái biển ở đây liền.

Phải nói là ở đây biển đẹp rồi mà thế giới dưới biển lại còn quá xuất sắc nữa. Vì nằm ở trong khu bảo tồn nên còn rất nhiều cá lớn khác loài nhau bơi tung tăng ở khu gần bờ luôn áh. Nếu ra xa xa nữa chắc là tuyệt cmn vời lắm. Riêng khoảng này, chấm 9/10 điểm nha bãi Dương ơi <3

Gần trưa thì lại chia nhau ra chuẩn bị cơm trưa. Đứa hái rau, đứa nấu đồ ăn, thường thì mình nấu cơm – bị khoái cái trò nấu cơm bếp củi ih.

Xong bữa trưa thì ngủ. Tầm 3:30-4:00 chiều thì dậy rửa chén bát lúc trưa đang nằm chỏng trơ ngoài đó. :))

Mát trời tí thì xách cuốc, xách xẻng đi san lấp mấy ổ rùa đẻ để tạo điều kiện tốt nhất cho mấy mẹ rùa sau lên đẻ. Mấy mẹ rùa khó tính bỏ xừ, cái ổ đẻ mà dễ sụp cát hay như có đá ở dưới là các mẹ bỏ đi, tìm nơi khác để làm ổ. Chán nữa thì các mẹ về lại biển rồi lúc khác mò lên lại.

Rồi là xách sọt đi nhặt rác từ đại dương trôi về. Chủ yếu là mấy chai nước nhựa không ah. Gom lại một chỗ và đốt đi thôi.

Rảnh hơn thì rủ nhau lội ra phía xa xa bờ sau khi thuỷ triều xuống. Ra đây hóng gió, nghe sóng vỗ, nghía mấy con cua xanh chạy tung tăng. Trời tối tí thì có thể ngó thêm mấy bà cá chốt mắc kẹt vì nước rút hay mấy bà bạch tuột lang thang ở mấy hốc đá. Thấy nhiều nhất là những con ốc tai tượng nằm ở giữa các phiến đá ih.

Lại rủ nhau về tắm rửa, cơm nước cho bữa tối, lại thời sự lúc 7h tối.

Tầm này thì có Cua Xe Tăng chui ra khỏi hang đi kiếm ăn. Theo lời Cường, loại này cả Việt Nam chỉ có ở bãi Dương và bãi Bảy Cạnh có thôi. Con Cua này to chà bá lửa với chiếc càng to bành ky luôn. Hắn sống trên cạn và hay trốn dưới hang. Dòm mấy cái lỗ to to là biết ngay hang của nó àh.

Tối rồi. Ai thích làm gì thì làm. Cường thì hay ra xích đu bấm điện thoại. Mình thì thích nằm trên võng trước nhà đung đưa, cập nhật tin tức trên facebook, check chiếc mail rồi trả lời thắc mắc của mấy đứa em ở công ty. Rồi ngủ!

Êh êh, không phải ngủ tới sáng đâu nghen. Mà ngủ để tới khoảng 2-3h thức dậy đi tuần tra coi rùa đẻ áh. Giờ dậy lúc nào tuỳ thuộc vào dự báo thuỷ triều lên xuống, có khi 11h đêm, có khi 2-3h. Mà trong những ngày mình ở đó, thường là 2-3h thuỷ triều mới lên. Đây là bảng dự báo mực thuỷ triều lên xuống trong 3 tháng, được cấp cho mỗi tổ kiểm lâm một bản nè. Cột dọc là ngày tháng, cột ngang là giờ & mực nước. Dòm dzô là biết khi nào nước lớn liền hà ^^! Dễ ợt 😉

Rùa mẹ sẽ theo con nước lên này để lên bờ và xuống lại biển trước khi thuỷ triều rút. Nên việc mà phải thức từ 2h đến 5-6h sáng là bình thường. Ở bãi Dương không quá nhiều rùa mẹ lên đẻ nên cũng đỡ cực chứ như bãi Bảy Cạnh, một đêm cả chục con lên đẻ, tha hồ chia nhau thức trực từ khuya đến sáng bửng luôn. Haha. Trung bình mỗi ngày ở bãi Dương có 2-3 rùa mẹ lên đẻ ah ^^

Dựa vào vết rùa mẹ bò trên cát mà mình biết được rùa mẹ đang bò đi đâu để làm ổ đẻ. Với chiếc thân rùa nặng chịch ấy – thường khoảng 90kg, rùa sẽ bò chậm rãi lên bờ cát và để lại một vệt dài đều nhau. Chúng sẽ chọn những nơi có độ cao hơn mực nước biển để tránh việc nước biển tràn vào làm úng ổ trứng của chúng. Đây là dấu hiệu nhận biết rùa mẹ đã lên bờ để tìm ổ đẻ. Tắt đèn và không nói chuyện lớn, cả đội ngồi xa xa để theo dõi các hoạt động của rùa mẹ để tạo cảm giác an toàn cho rùa mẹ và sự thoải mái cho chúng đẻ trứng.

Sau khi tìm được bãi đáp ưng ý, Rùa mẹ sẽ mất khoảng 25 phút để dùng hai vây trước hất tung đám cát xung quanh ra phía sau tạo ổ phần trên. Xong rồi thêm cỡ 20 phút nữa để dùng hai chi sau móc cát từ dưới lên tạo thành một cái hố có độ sâu cỡ 50-70cm. Nếu gặp vật cản ở dưới hoặc cát sụt xuống, chúng sẽ bỏ ổ này mà bò đi tìm một nơi khác để tạo ổ khác. Và bắt đầu lại với hai chi trước – rồi hai chi sau. Nếu thuận lợi, bạn sẽ thấy mẹ rùa dùng hai chi sau che nắp ổ lại và dần dần thả những quả trứng rùa đầu tiên xuống ổ. Hình này là đào 1 cái hố sâu tương tự và tạo cái hang nối qua ổ trứng để rọi đèn chứ ko phải rọi thẳng vào mặt mẹ rùa nha 😛

Lúc này, mình dùng cây xăm bằng thép hoặc thanh tre, cây đủ dài để đánh dấu nơi rùa đẻ trứng. Việc này sẽ giúp mình xác định chính xác ổ trứng để tí nữa đào lên và đem trứng về hố ấp. Không làm việc này sẽ rất khó để tìm ra ổ trứng mà phải nhờ anh kiểm lâm nhiều kinh nghiệm để hỗ trợ tìm ổ rùa đẻ.

Sau khi đẻ xong, rùa mẹ lại dùng hai chi sau để lấp ổ trứng ấy lại, rồi kết hợp với hai chi trước lấp ở trứng mặt trên để xoá dấu vết về ổ trứng mới đẻ của chúng. Khi thấy đã ổn thoả rồi, chúng lại bò ra hướng biển để về lại với thế giới của chúng và không trở lại thăm bầy trứng này nữa. Nghe có vẻ hơi bị phũ… nhưng thiệt là dzậy luôn đó. :(…

Và, khi rùa mẹ rời đi, mình bắt đầu công việc di dời ổ trứng này về hồ ấp trứng.

Sao không để trứng rùa ở yên đó mà phải chuyển về hồ ấp? 

Vì, bạn sẽ không muốn thấy những loài vật khác mò đến và ăn hết trứng rùa đâu, lại càng chẳng muốn nhìn thấy những rổ trứng rùa được con người bày bán, mà có khi, xui cho nó là một mẹ rùa khác lên và bới móc đúng ổ rùa ấy thì sẽ hư hết. Rùa đẻ đã ít rồi mà còn bị phá thế thì chắc sẽ sớm bị tuyệt chủng như loài khủng long mất.

Việc di dời này chỉ có thể làm được trong vòng 6 tiếng kể từ khi mẹ rùa nhẹ nhàng thả những quả trứng tròn ủm ấy ra. Trong khoảng thời gian này, phôi chưa được hình thành và trứng có độ đàn hồi tốt nên an toàn để lấy trứng lên và di dời. Mình phải đào hố cát có độ sâu bằng cả cánh tay, đào ổ đầu tiên còn thấy ô cê chứ đến ổ thứ hai trở đi là bắt đầu cảm nhận được cái sự đau nức, mỏi tay, ê ẩm toàn thân vì lâu nay đã ít vận động rồi mà giờ còn làm quá chừng nữa. =)) Nhưng mấy ngày sau là hết hà 😉

Bảo tồn rùa biển ở Côn Đảo

 Lúc lần đầu cầm những quả trứng này mình có phần nhát tay vì sợ vỡ, nhưng thật ra thì chúng chịu đựng va đập tốt lắm – như cách mẹ Rùa thả chúng từ trên cao xuống đáy hố trứng vậy. Chỉ bị vỡ ra khi có vật nhọn đâm vào trong quá trình bới móc ổ thôi, nên mình luôn phải cắt móng tay gọn gàng hoặc đeo bao tay để giảm thiểu rủi ro đó. Moi móc xong. Mình cho vào chiếc rổ và đem về hồ ấp trứng rùa.

Gọi là hồ nhưng nhìn chẳng giống hồ gì cả, đấy chỉ là một không gian vừa phải với đầy cát tự nhiên, 1 nửa có mái che và 1 nửa không có mái che. Mình đào một chiếc hố có độ sâu tương tự mẹ Rùa tạo ra – trung bình khoảng 50cm, rồi thả những quả trứng vừa lấy lên vào đó, lấp cát lại như cách mẹ Rùa nó làm.

Sau đó cắm cây cọc nhỏ để đánh dấu. Nhìn lên cây cọc bạn sẽ biết được số thứ tự ổ trứng ấy trong hồ ấp là bao nhiêu, đẻ ngày nào và số trứng là bao nhiêu. Như hình bên dưới, bạn sẽ biết là đây là ổ trứng thứ 100, được đẻ vào ngày 5/7 và có 99 quả trứng.

Việc di dời ổ trứng về hồ ấp như thế này không chỉ tăng tỷ lệ nở, độ an toàn cho trứng rùa mà còn giúp cân bằng giới tính cho loài Rùa nữa. Giới tính rùa con được hình thành tuỳ vào nhiệt độ cát ở hố ấp của trứng. Nếu để ổ trứng rùa ấy nở tự nhiên thì tỷ lệ con đực nở ra chỉ khoảng 28% thôi. Còn ở hồ ấp được chia ra làm đôi, những ổ trứng được ấp ở nơi có giàn mái che mát hơn sẽ cho tỷ lệ con đực cao hơn và dưới ánh nắng trực tiếp sẽ cho tỷ lệ con cái cao hơn. Khi nở ra, gần như mình không nhìn ra đâu là con đực đâu là con cái vì chúng nhỏ xíu xiu. :3

Rồi khi trời sáng dần, nếu có ổ trứng nở thì lại bắt đầu công việc của ngày: thả chúng về với biển. Đấy, một ngày của tui với vai trò là tình nguyện viên bảo tồn rùa biển nó thế đấy, có lúc this lúc that nhỉ 😉 Nhưng cơ bản là tui thấy thích thú với những ngày được sống ở bãi Dương và thực hiện các công tác bảo tồn ấy. ^^

Booking.com
Related Posts