Nếu bạn đang tự hỏi: “Ăn gì ở Buôn Ma Thuột” khi du lịch Buôn Ma Thuột, đây là bài viết dành cho bạn đó. Tuy nhiên, sẽ hơi khác một chút khi bài này nói về món ăn của những người đồng bào M’Nông sống quanh khu vực hồ Lak nha.

Du lich Buon Ma Thuot

BÀI VIẾT KHÁC VỀ DU LỊCH BUÔN MA THUỘT

03 Nơi Thú Vị Để Ở Khi Du Lịch Buôn Ma Thuột

DU LỊCH BUÔN MA THUỘT – REVIEW 03 ĐIỂM CẮM TRẠI CỰC HOT Ở BUÔN ĐÔN

MÊ ƠI LÀ MÊ RỪNG KHỘP BUÔN ĐÔN

BUÔN MA THUỘT – CÓ MỘT HỒ EAKAO RẤT LẠ!

Đây là 08 món bản địa cực ngon bạn không nên bỏ qua khi du lịch Buôn Ma Thuột nha.

Canh tro vỏ chuối

Mình ấn tượng nhất với món này nhất khi có dịp được trải nghiệm ẩm thực ở Lak. Không chỉ vì hương vị của món này lạ miệng và rất “hút cơm”, mà còn vì các nấu món này cũng lạ nữa, nhưng lại mang đậm nét ẩm thực truyền thống của người M’Nông.

Người dân nơi đây dùng tro đốt từ các loại vỏ chuối chín phơi khô, cho vào nước, sau đó lọc lại qua lớp màng lưới để lọc cặn của tro. Phần nước tro được nấu chung với đu đủ gọt vỏ, măng chua lâu năm và thịt nạc. Họ đun cho đến khi chín nhừ, thịt mềm mới múc ra tô để thưởng thức.

Chả cá thác lác

Cá thác lác từng bị đánh giá thấp khi chỉ có người nghèo mới ăn loài cá tuy giàu dinh dưỡng nhưng lại có quá nhiều xương. Và khi họ biết cách nạo thịt cá thác lác ra, giã nhuyễn để làm chả cá, thì món ăn này mới được nhiều biết đến. Rồi cứ thế, trở thành một trong những món ăn nổi tiếng từ hồ Lak này đến mức được chọn lựa để xây dựng thương hiệu sản phẩm truyền thống của huyện Lak luôn.

Để chả cá thơm, ngon tự nhiên thì nguyên liệu cũng phải là những con cá tươi, thịt chắc, được sơ chế ngay và ướp lạnh để giữ độ tươi ngon của cá. Bạn có thể thưởng thức vị ngọt của chả cá thác lác khi chiên hoặc hấp hoặc ăn chung với lẩu măng chua nha.

Vịt nướng/quay cơm lam

Trong những ngày lang thang ở Lak, mình dễ dàng gặp những đàn vịt vừa chạy trên những cánh ruộng bạt ngàn vừa kêu quack quack, hay đang bơi lội trong những đầm ngập nước ven hồ. Loại vịt này sống nhờ nguồn thực phẩm thiên nhiên là chính nên thường nhỏ nhắn, không có lớp mỡ dày như vịt nhà nuôi. Để cho ngon, người dân ở đây thường nướng vịt trong lửa nhỏ, trở tay đều để tránh làm cháy lớp da của vịt hay làm miếng thịt vịt bị khô đi. Nhờ vậy mà thịt của nó chắc nịch, thơm ngọt và gia vị thấm đều hơn nữa.

Món này ăn kèm với cơm lam thì “số dzách” luôn. Những ống tre đầy nếp trộn với gạo của người đồng bào được bịt lại bằng lá chuối, xong rồi nướng đều trên bếp lửa hồng. Khi chín rồi, họ chẻ mỏng lớp tre đã cháy xém ra để khi ăn chỉ cần tách lớp vỏ tre còn lại lại có thể tận hưởng những miếng cơm thơm ngon rồi.

Gà đồng bào nướng

Món gà nướng có vẻ là quá đặc trưng khi bạn lui tới mấy tỉnh thành ở khu vực vùng núi rồi ha, dù là ở Tây Bắc hay là Tây Nguyên đi nữa, món này vẫn luôn nằm trong top những món ăn thường xuất hiện trong mâm cơm mời khách. Nhưng hông phải vị chỗ nào cũng như nhau đâu nghen. 😀

Như khi bạn đến với Lak, bạn sẽ được ăn gà thả vườn của người đồng bào M’Nông nha. Thường thì là gà tơ, nhỏ gọn tầm 1kg, có thịt săn chắc và lớp da mỏng. Sau đó được tẩm ướp với muối hột, ớt xanh,… rồi sau đó mới nướng trên than hồng. Họ nướng khéo lắm, không để lớp da bị cháy đen đâu nha.

Xé từng miếng thịt gà ra và chấm mới muối ớt được giã từ muối hột, ớt xanh, ngò gai đồ nữa thì ngon hết nước chấm luôn nha.

Thịt heo đồng bào nướng ống tre

Nếu bạn đi lang thang ở đây, bạn sẽ dễ gặp cảnh những chú heo đang đi long nhong quanh buôn làng để kiếm ăn. Và khi chúng đủ lớn… bùm, nó nằm trên bàn ăn mỗi khi nhà có khách. :))

Với cách thả rông vậy, thịt heo đồng bào thường rất ít mỡ nhưng bù lại, lớp thịt dày, mềm và rất là thơm. Chưa kể là các mùi vị của gia vị từ các loại rau quanh vườn, ớt xiêm, muối hột, củ nén,… được giã nhuyễn và trộn lẫn vào nhau nữa. Món này chấm với muối ớt nữa thì không còn gì để bàn.

Gỏi cà đắng cá khô

Mình mê cái vị nhẫn nhẫn nhẹ của quả cà đắng, vị thơm dịu của cá cơm khô, vị cay cay của trái ớt hiểm, vị bùi bùi của ngòi gai, hòa quyện với vị mặn ngọt và chua nhẹ của các gia vị khác khiến cho mình nhớ mãi đến món “gỏi cà đắng cá khô” này, cứ như là đang hưởng thụ hết vị hoang dã của núi rừng, vị cuộc sống của người dân địa phương nơi đây vậy đó.

Hai vị chính của món này là vị đắng và vị cay, đối với người bản địa, càng đắng càng cay, món này càng ngon. Nhưng khi làm món đãi những vị khách từ phương xa đến, vị đắng và vị cay đã được gia giảm để phù hợp với khẩu vị của số đông hơn, dễ ăn hơn nữa. Mà một khi đã ăn rồi, thì dễ bị ghiền lắm đó nha.

Canh cà đắng

Ngoài món gỏi cà đắng cá khô ra, cà đắng còn được dùng là nguyên liệu chính của món canh cà đắng nữa nha. Vị canh cũng có vị nhẫn nhẫn của cà đắng, được mix với vị cay của ớt và vị ngọt của thịt heo ba chỉ nữa. Ăn cũng rất là hao cơm nha.

Tép ram khế

Với lợi thế sinh sống quanh hồ Lak, người bản địa ở đây được thiên nhiên phú cho một nguồn tôm tép hồ dồi dào. Cứ khoảng 2-3h sáng, người dân ở đây đi đặt những chiếc lừ (một kiểu lồng để đánh bắt tôm tép) trên hồ Lak, rồi sáng sớm hôm sau họ bắt đầu đi kéo lừ lên, và đem ra chợ bán.

Để tránh bị những sợi râu nhọn của tép đâm vào lưỡi hay vòm miệng, người dân ở đây thường cắt hết râu tép này rồi mới đem ram với khế. Vị của món này hơi mặn, kết hợp với vị chua nhẹ của  tạo nên một món ăn rất là đưa cơm.

Những món ăn này không bán phổ biến ở các nhà hàng, quán ăn ở Buôn Ma Thuột, nhưng bạn có thể tìm được ở khu du lịch sinh thái Đầu Nguồn, nhà hàng Arul House ở trung tâm thành phố; hoặc đi xa hơn thì đến với Y Sol House ở xã Yang Tao, huyện Lak – cách trung tâm TP Buôn Ma Thuột khoảng 50km àh.

Related Posts