KONTUM CÓ GÌ – Kon Tum là một trong năm tỉnh thuộc Vùng Tây Nguyên của Việt Nam, gồm có: Đăk Lak, Đăk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai và Kon Tum. Vùng Tây Nguyên xưa kia nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đến khai hoang và lập bản, làng để sinh sống. Để dễ phân biệt, họ đặt ra những cái tên cho nơi họ sinh sống.

Tên làng của người đồng bào dân tộc thiểu số thường được bắt đầu bằng từ Kon, Đăk, hay Plei… tuỳ thuộc vào từng dân tộc. Tuy nhiên, điểm chung là tất cả tên buôn làng đều phải gắn liền với đặc điểm hình thành, địa thế, địa hình hay những truyền thuyết, huyền thoại… trong đó, được sử dụng nhiều nhất có lẽ là dựa vào yếu tố thiên nhiên nào đó mang tính đặc trưng của vùng đất ấy. Ví dụ như, làng Plei Tơ Nghia – làng cây Ko-nia, làng Kon Klor – làng cây gòn,… Và, theo lối đặt tên đó, người đồng bào Bahnar (Bana) đặt tên vùng đất họ ở là Kon Tum – làng hồ, để nói về nơi họ sinh sống có nhiều sông nước khi nằm kế bên dòng sông Đắk-Bla huyền thoại.

Làm sao để đến Kon Tum

Kon Tum có một phần bất lợi khi không có sân bay dân sự ở đây nên việc di chuyển giữa các tỉnh – thành khá là tốn thời gian. Cách đỡ tốn nhất là bay đến thành phố Pleiku (Gia Lai) và đón xe buýt, hoặc xe riêng để đến Kontum. Quãng đường bộ này kéo dài khoảng 50km, đường đẹp nên di chuyển cũng khá thoải mái. Mà một khi đã ham đi rồi thì nhiêu đó cây số có là gì hen 😛

08 TRẢI NGHIỆM CỰC THÚ VỊ Ở KON TUM

1. Chụp hình ở rừng thông Măng Đen

Măng Đen là thị trấn nhỏ thuộc huyện Kon Plong có đường quốc lộ 24 chạy ngang qua, nằm cách trung tâm thành phố Kon Tum khoảng 50km. Măng Đen nằm ở độ cao khoảng 1200 mét so với mực nước biển với các dãy núi rừng nguyên sinh bao quanh nên Măng Đen có cái khí hậu dễ chịu quanh năm, đôi khi còn se lạnh nữa. Với địa thế như vậy, Măng Đen được người Pháp đưa cây thông lên trồng từ những thập niên đầu thế kỷ 20. Bởi dzậy, vừa se lạnh, vừa có cây thông đồ, bảo sao người ta không gọi đây là Đà Lạt thứ 2 cơ chứ. :3 Nhưng, nếu nghĩ như vậy bạn sẽ dễ bị cảm thấy thất vọng khi đến với Măng Đen đó nha. Không phải vì Măng Đen không đẹp, chỉ là, vẻ đẹp của nàng Đen không thể sánh với nàng Lạt được. Nàng Lạt đẹp bất bại khu vực Tây Nguyên nha!

KONTUM CÓ GÌ - 8 TRẢI NGHIỆM CỰC THÚ VỊ Ở KON TUM

Mà đến với Măng Đen thì không thể bỏ qua đoạn đầu đường dẫn vào khu Trung Tâm Măng Đen được. Nơi đây phải gọi là “Signature spot” của Măng Đen mà ai đến đây cũng phải dừng lại một chút để chụp hình với con đường nhựa ở giữa với 2 bên hàng thông thẳng tắp, xanh rì, đã mắt & đẹp cực!

Địa chỉ: BẤM DZÔ ĐÂY NÈ.

2. Nhìn tận mắt Đức Mẹ Măng Đen

CÁC CON LÀ CÁNH TAY CỦA MẸ là câu đầu tiên mình thấy khi bước đến gần với nơi thờ phượng của Đức Mẹ Măng Đen.

Khác với nhiều bức tượng Đức Mẹ mình đã từng thấy trong những chuyến đi, tượng Đức Mẹ Măng Đen lại mang vẻ mặt u sầu với đôi bàn tay bị cụt – nên tượng này còn được gọi là Đức Mẹ Sầu Bi.

Kể thì dài dòng lắm và mình cũng không rành về Tôn giáo này nên mình chỉ tóm gọn về những gì mình thấy lúc này. Như là: phần thân tượng mang hình dáng của tượng Đức Mẹ Fatima, phần đầu mang dáng dấp của người phụ nữ vùng Tây Nguyên, gương mặt vẫn nhiều vẻ sầu bi và đôi bàn tay vẫn không thể được phục chế sau nhiều lần. Nhiều giáo dân cho rằng với hình dáng cụt tay như trên, làm liên tưởng đến hình tượng Đức Mẹ phù hộ cho con người bất hạnh mắc các bệnh như; phong cùi, HIV/AIDS…

Đức Mẹ Măng Đen giờ đây trở thành điểm không-thể-không-đến cho những ai đến với vùng đất này, người thì hành hương, người thì tham quan,… đặc biệt là ngày 9 tháng 12 hằng năm trở thành Ngày hành hương Đức Mẹ Măng Đen của giáo phận Kon Tum.

P/S: Có nhiều câu chuyện mang tính tâm linh và nổi tiếng linh thiêng về tượng Đức Mẹ Măng Đen lắm, như là chuyện những chiếc xe ủi đường tự động tắt máy khi ủi đến nơi có tượng Đức Mẹ chẳng hạn. 

Địa chỉ: BẤM DZÔ ĐÂY NÈ!

3. Đi bộ lòng dzòng làng Kon Bring

Đây là điểm đến mình ấn tượng nhất ở Măng Đen. Mở màn bằng việc đi theo Google Maps rồi đưa xe máy xuống con dốc hẹp… chỉ dành cho người đi bộ vì một phần của con dốc là các bậc thang để đi từ trên Quốc lộ 24 xuống thẳng ngôi làng. Quay đầu xe đoạn này hơi vất vả, vừa dốc lại vừa hẹp =)) thế mới nhớ nó quài chớ. =)) Chạy ngược lên lại QL24, mình tiếp tục con đường ấy xuống phía dưới chân đồi, dòm bên phải là thấy chiếc cổng chào vào Làng văn hoá Kon Bring. Lần này thì chuẩn không cần chỉnh rồi 😛

Chạy thẳng vào bên trong, tà tà tìm chỗ nào có treo bảng “Điểm giữ xe” để gửi chiếc xe mà hổng có. Bèn đậu đại ở một vùng đất trống, không có xe cộ nào chạy ngang qua. Đá chân chống xuống, mở cốp cất mũ bảo hiểm, khoác balo lên vai và đi bộ khám phá ngôi làng này.

KONTUM CÓ GÌ - 8 TRẢI NGHIỆM CỰC THÚ VỊ Ở KON TUM - 20

Làng này chủ yếu là người đồng bào Mơ Nông, thuộc một nhánh của dân tộc Xê Đăng. Đi bộ rảo quanh thì cũng không hiểu vì sao gọi là làng du lịch nữa vì chẳng thấy dịch vụ gì liên quan cả, không quán xá, không bán vé tham quan,… như một ngôi làng bình thường vậy đó.

KONTUM CÓ GÌ - 8 TRẢI NGHIỆM CỰC THÚ VỊ Ở KON TUM

Nổi bật giữa làng là ngôi nhà Rông từ lâu đời rồi. Với kiến trúc cầu thang đi lên gian nhà chính cao để bên dưới có thể nuôi gia súc và tránh lũ, tầng trên để ở. Tuy nhiên giờ gian chính chỉ để trưng bày hiện vật và họp dân khi cần ah. Bên trong trống quơ lun :3

Rời nhà rông, mình đi vào sâu trong làng một xíu. Như kiểu một mình một đường vậy, chẳng thấy ai khác, lâu lâu thì gặp mấy đứa nhỏ đạp xe qua lại giữa mấy nhà với nhau. Xa xa thấy có chị kia dắt con trâu ra ngoài ruộng ăn cỏ, người thì thả dê ra đồng,… nhìn sơ qua thì thấy cánh đàn ông tụ tập trong nhà đốt thuốc lá, nói chuyện gì đó bằng thứ tiếng mình không hiểu. Thấy mình lạ, họ cũng dõi mắt theo lcoi mình làm gì. 😛

Chợt thấy cậu bé đang giỡn với chú cún con, bèn lại nói chuyện và xin chụp vài tấm hình. Cậu bé học lớp 5 rồi, nay cuối tuần nên ra đồng với mẹ. Nói đoạn, cậu bé ôm con chó và đi tiếp theo hướng đường mòn để đi ra ruộng. Mình đi theo. Một con sông đục ngầu phía trước. Cậu bé vẫn bình thãn ôm chú cún và từ từ lội qua con suối ấy để qua bên kia bờ ruộng, nơi có thể là gia đình chú bé đang cắm cúi gặt lúa.

Có lẽ việc này diễn ra thường xuyên nên mình chẳng thấy sự ngập ngừng hay lo ngại gì của những người lớn đang đứng gần đó khi cậu bé lội suối. Chắc chỉ có mình mình lo thôi 🙁

Đứng dòm bên kia bờ ruộng một chập thì mình đi tiếp. Làng nhỏ mà. Đi vài bước thì cũng về lại nơi mình để cái xe máy đó. Trước mặt mình lại là khung cảnh gặt lúa của một gia đình khác. Người lớn vẫn chăm chú gặt, những đứa nhỏ thì rủ nhau đi mò cua bắt ốc, chạy nhảy quanh khu đấy.

KONTUM CÓ GÌ - 8 TRẢI NGHIỆM CỰC THÚ VỊ Ở KON TUM

Làng Konbring có vậy thôi. Cái hay là vẫn còn nhiều người đồng bào đang sống & sinh hoạt ở đó nên phần nào giúp mình có cái nhìn khác về đời sống của họ nói riêng và của người dân Kontum nói chung. Yên bình & đã mắt với những cánh đồng lúa đã ngả vàng.

Địa chỉ: BẤM DZÔ ĐÂY NÈ!

4. Đi bộ & ngắm cây câu treo Kon Klor

KONTUM CÓ GÌ - 8 TRẢI NGHIỆM CỰC THÚ VỊ Ở KON TUM
Cầu treo Kon Klor được xem là cây cầu dây văng đẹp nhất khu vực Tây Nguyên có chiều dài gần 300m để nối hai bờ của dòng sông Đăk-Bla. Được hoành thành vào năm 1994. Và trở thành một điểm đến thú vị dành cho du khách đến với Kon Tum. ^^
KONTUM CÓ GÌ - 8 TRẢI NGHIỆM CỰC THÚ VỊ Ở KON TUM
Kon có nghĩa là Làng, Klor có nghĩa là Cây Gòn, Kon Klor là Làng Cây Gòn – để muốn nói rằng, nơi đây đã từng có rất nhiều cây bông gòn mọc tự nhiên dày đặc. Tuy nhiên bây giờ thì không còn nữa vì sự tăng trưởng dân số và dân cần đất để canh tác nên nhiều cây gòn đã bị đốn hạ rồi. 😃
KONTUM CÓ GÌ - 8 TRẢI NGHIỆM CỰC THÚ VỊ Ở KON TUM
KONTUM CÓ GÌ - 8 TRẢI NGHIỆM CỰC THÚ VỊ Ở KON TUM
Gần đoạn đầu cầu treo Kon Klor là ngôi nhà sàng truyền thống của người Bahnar. Và, băng qua cây cầu thêm khoảng 6km nữa là đến với làng du lịch Kon K’tu vẫn còn khá hoang sơ của người Bahnar. 😛
Địa chỉ: BẤM DZÔ ĐÂY NÈ

5. Đi bộ quanh làng Kon K’tu

Từ cây cầu Kon Klor nổi tiếng Kon Tum, chạy thẳng thêm khoảng 6km nữa là đến với làng Kon K’Tu, một ngôi làng cổ của người Bahnar. Nơi đây đang là Làng Du lịch nên cũng có nhiều homestay để các bạn có thể trải nghiệm và sống gần hơn với những người đồng bào nơi đây. Vẫn còn đó ngôi nhà Rông truyền thống ngay giữa làng, nơi là điểm sinh hoạt văn hoá của người dân nơi đây và đã từng xuất hiện trong cuốn truyện Rừng Xà Nu của nhà văn Nguyên .

Vẫn còn đó những con người đồng bào Bahnar sống lâu năm ở trong làng, vẫn làm những công việc thường ngày để giữ gìn văn hoá nơi đây. Như là thuê dệt những tấm vải thổ cẩm thủ công, vẫn tắm rửa, giặt giữ và chèo thuyền độc mộc trên dòng sông Dak-Bla huyền thoại.

Vẫn còn đó những căn nhà theo lối truyền thống xưa, xen lẫn là một số công trình xây dựng hơi không liên quan tới cảnh quang nơi đây lắm.

Vẫn còn đó những gốc cây nơi được dùng để trao đổi hàng hoá của những người dân trong làng. Nhà nào có gì muốn bán hoặc trao đổi thì cứ đem ra những “tụ điểm” như thế này. Từ đầu làng đến cuối làng có cỡ 3 chỗ như này áh.

Có một điều thú vị là, nhiều anh trai Tây về đến làng này và phải lòng những cô gái Bahnar nên họ nên vợ nên chồng rồi anh Tây về đây ở luôn với cô gái ấy. Rồi họ cũng góp sức để gìn giữ những bản sắc của người Bahnar thông qua việc tạo nên những căn nhà homestay đậm chất Bahnar khá xinh đẹp. Có người còn nói, “mấy anh người Kinh không có cửa với mấy em gái làng này đâu.” – lolz. Mà phải công nhận, các cô gái Bahnar ở đây đẹp thiệt nha. <3

Địa chỉ: BẤM DZÔ ĐÂY NÈ!

6. Khám phá nhà thờ Gỗ Kontum

KONTUM CÓ GÌ - 8 TRẢI NGHIỆM CỰC THÚ VỊ Ở KON TUM

Là một tên gọi khác của Nhà thờ Chánh toà của thành phố Kon Tum, vì công trình này được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ với phong cách kết hợp giữa nhà sàn truyền thống người đồng bào Bahnar và kiến trúc Roman cổ điển. Nhờ thờ do một linh mục người Pháp khởi công xây dựng từ 1913, hoàn thành sau đó 5 năm và còn giữ khá là nguyên vẹn cho tới nay khi đã hơn 100 năm.

Không chỉ vậy, các vách tường của nhà thờ Gỗ được làm bằng đất trộn rơm chứ không sử dụng xi-măng hay cả vôi để làm đâu nha. Mình thích những ô cửa sổ kính đầy màu sắc với các điển tích trong kinh thánh lấp la lấp lánh khi có những ánh nắng chiếu vào, làm tăng thêm vẻ hoành tá tràng của giáo đường nơi đây.

Địa chỉ: https://goo.gl/maps/MJ8Y8YRjyUwEEVZp7

7. Giao lưu với nghệ nhân cồng chiêng Abiu

Năm 2018, ông Abiu  được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú khi trong nhiều năm liền đã luôn cố gắng lưu giữ âm điệu cồng chiêng của người Bahnar cho thế hệ sau. Với ông, cồng chiêng là một điều thiêng liêng và quý giá mà đồng bào dân tộc Bahnar không thể để nó mai một được. Hiện tại, nghệ nhân Abiu đã sưu tầm được 11 bộ cồng chiêng và nhiều ché ghè, nồi đồng cổ khác. Nhưng hiện ông chỉ giữ lại 5 bộ thôi àh.

Không chỉ chơi được cồng chiêng mà nghệ nhân Abiu còn có thể chơi được nhiều nhạc cụ khác nữa. Có thể đàn guitar và hát những bản nhạc yêu thích của ông hoặc theo yêu cầu của khách, có thể cả tiếng Anh và tiếng Việt. Mình khoái ổng ở một chỗ là thích nhạc The Beatles giống mình khi đưa cho mình tờ giấy A4 in lời bài hát “Don’t let me down” và nói: “bài yêu thích của tui đó”. 😛

Đến nhà ông Abiu chơi, ông còn đưa cho mình bộ đồ truyền thống của người Bahnar và giúp mình đóng khố để cosplay là một chàng trai Bahnar hơi béo một tí.

Sau đó là màn đón tiếp với những âm thanh cồng chiêng của những người chú, người anh mà còn cả những điệu múa xoan từ những người cô, người chị đồng bào ở đây. Từ ngoài cổng đi vào trong khuôn viên vườn và đi quanh đống lửa đang cháy rực lên. Mọi người đều hò reo vui vẻ 😛

Rồi đến tiết mục giao lưu văn nghệ khi vừa thưởng thức món gà nướng, cơm ống tre, cá nướng, gỏi hoa chuối và nhấm nháp những hớp rượu cần (ché ghè) của ông. Ai biết đàn lên đàn, ai muốn hát lên hát, rồi cứ thế là rộn ràng cả khu nhà trong tiếng cười nói vui vẻ.

Địa chỉ: BẤM DZÔ ĐÂY NÈ. – Để được đón tiếp chu đáo hơn, các bạn nên liên hệ với ông Abiu trước khi đến nha. 😀

8. Thưởng thức món gỏi lá

Món này thì…như tên gọi, toàn là lá thôi. Một phần ăn nó như này: 1 combo rau-lá, thịt ba chỉ, tôm, bì, giò thủ. Thêm đĩa tiêu nguyên hạt, muối hạt, và ớt xanh. Kèm theo tô nước sốt chấm đặc biệt kia nữa. 30-35k/set. Cái nước chấm đó là thứ kỳ công nhất của món này. Nào là ủ gạo nếp lên men với tôm khô, thịt ba chỉ; rồi xay nhuyễn. Sau đó cho lên chảo dầu nóng, thêm hành phi, thêm mẻ, gia vị đồ rồi đảo đều tay. Món này hoàn toàn dựa vào độ nhạy của người nấu, chỉ cần nghe mùi bốc lên của nước sốt là biết nước chấm đã đạt chuẩn hay chưa.

Còn cách ăn thì…có 2 cách. Cầu kỳ thì phải đúng quy trình như này: Trước tiên lấy lá cải hoặc lá mơ làm lá cuốn thành cái phễu nhỏ, , sau đó cho thêm lá chua và vài lá khác tùy lựa chọn, bỏ miếng thịt ba chỉ, tôm, bì lợn… vào trong “phễu”, nhất định phải cho thêm hạt tiêu và hạt muối, một chút nước chấm.

Mình thì thuộc nhóm thứ hai, ăn tạp. :3 nên chỉ có cuốn như cuốn bánh tráng thôi chứ chả phễu phiếc gì mắc mệt. Rồi chấm, rồi ăn. Cạp một phát để cảm nhận đủ hương vị của các loại lá, chua chua của lá cóc rừng non, bùi bùi của lá sung, chát chát của lá mơ,… Vẫn ngon như thường =))

GoiLa3

Món này có hẳn một khu phố Gỏi lá ở đường Trần Cao Vân, có nhiều quán nổi tiếng lắm, như Út Cưng – search google phát ra ngay. :3 Mà mình thì lại ko thích kiểu quán như này nên chọn quán Gỏi Lá Sức Sống Mới (21 Trần Cao Vân) xéo xéo Út Cưng, ngồi bệt, chủ thân thiện hơn nhiều. ^^

Có thể Kon Tum vẫn còn nhiều điều thú vị khác nữa, nhưng trong thời gian có hạn và qua nhiều trải nghiệm khác, đây là những gì mình thích sau khi sàng lọc lại để chia sẻ với các bạn. 😀 Hy vọng bạn sẽ tìm được các thông tin bổ ích để có một chuyến đi thú vị tới Kon Tum nha. <3