Du lịch Mông Cổ – Chiếc máy bay vừa đáp xuống sân bay Thành Cát Tư Hãn ngay thủ đô Ulaanbaatar thì tiếng loa phát thanh thông báo nhiệt độ ngoài trời đang là -20 độ C. “Chà, vẫn còn thấp hơn so với con số -40 độ C mà mình đã được dự báo trước” – mình nghĩ vậy, rồi nhanh chóng rời máy bay, xếp hàng để làm thủ tục nhập cảnh, lấy hành lý và di chuyển về khách sạn ở trung tâm thành phố để nghỉ ngơi sau một chuyến bay dài.

Đường từ sân bay vào tới khách sạn chỉ hơn 50km một chút, nhưng thời gian di chuyển gần 3 tiếng đồng hồ lận vì bán kính khoảng 3km từ trung tâm kẹt xe kinh khủng.

Du lịch Mông Cổ mùa đông cần lưu ý gì?

Mình chưa từng đặt Mông Cổ nằm trong danh sách ưu tiên để khám phá lúc này, vì mình biết mùa đông Mông Cổ khắc nghiệt lắm. Tuyết rơi dày, nhiệt độ có khi âm 50 độ C, đến các loài vật sống ở Mông Cổ còn phải tìm nơi trú ẩn cho qua mùa rét này nữa, huống chi là mình đến từ thành phố có tính chất khí hậu cận xích đạo nên đã quá quen với nhiệt độ hàng ngày khá cao. 

Vậy nên, mùa đông ở Mông Cổ thường không phải là lựa chọn sáng suốt khi thử thách lớn với mình về mặt thời tiết. Tuy nhiên, đây lại là thời điểm dễ hơn để gặp Bộ lạc tuần lộc nguyên thuỷ còn sót lại trên thế giới.

Việc đầu tiên, bạn cần phải có visa du lịch Mông Cổ nha. Bạn dễ dàng xin evisa qua TRANG WEB NÀY hoặc xem bài hướng dẫn chi tiết của mình trong BÀI VIẾT NÀY nghen.

Bộ lạc tuần lộc nguyên thủy sống ở đâu?

Bộ lạc tuần lộc này có gốc là người vùng Tuva, một nơi từng thuộc về Mông Cổ cho tới khi Tuva được sáp nhập vào nước Nga vào năm 1944. Khi Nga tham gia vào Thế chiến thứ hai, những người chăn tuần lộc này mới di chuyển qua tỉnh Khuvsgul, phía Bắc của Mông Cổ để sinh sống.

Ngày nay, bộ lạc này được gọi là người Tsaatan, hay là Dukha. Họ có lối sống du mục, di chuyển linh hoạt theo các đàn tuần lộc, tạo nên bức tranh sống động của sự hòa mình với thiên nhiên.

Tuần lộc được coi là linh hồn và là nguồn sống chính của cả bộ lạc khi Tuần lộc cho họ nhiều thứ để sinh tồn và trao đổi mua bán với xã hội bên ngoài. Như là, tuần lộc cho họ sữa để uống hoặc làm phô-mai; cho họ da khi chúng đã già yếu và chết đi để làm lớp phủ bên ngoài giữ ấm cho những lều du mục hoặc là làm da giày.

Lớp da tuần lộc đang được xử lý trước khi làm tấm che lều du mục

Hàng năm cho họ sừng để làm đồ mỹ nghệ, trang trí; cho họ sức lực để vận chuyển đồ đạc mỗi khi di cư;… và gần đây, tuần lộc còn cho họ thêm chi phí khi cho các vị khách du lịch khắp nơi trải nghiệm cuộc sống du mục nữa. Vì vậy, hiếm khi mà người Tsaatan giết hại tuần lộc để lấy thịt bán lắm.

Với cuộc sống gắn liền với đàn tuần lộc như vậy, mỗi khi thời tiết thay đổi theo mùa quanh năm, những người Tsaatan này sẽ cùng đàn tuần lộc di cư đến một nơi tuần lộc sinh sống thoải mái và sống tốt hơn. Tuần lộc là loài vật thích sống ở những nơi mát lạnh, nên mùa hè, họ sẽ đưa tuần lộc vào tận rừng sâu, vùng cao hơn để kiếm ăn. Còn mùa đông, họ đưa chúng ra gần bìa rừng, gần với thị trấn để dễ sống hơn.

Vì vậy, vào mùa hè, chỉ có cưỡi ngựa khoảng 9-10 tiếng mới vào được tới nơi di cư của bộ lạc ở sâu trong rừng. Trong khi vào mùa đông, khi nhiều con sông, mặt hồ bị đóng thành băng, xe ô tô địa hình có thể chạy thẳng vào tới bìa rừng nơi họ di cư luôn và chỉ mất khoảng 2 tiếng từ ngôi làng Tsagaan Nuur gần đó.

Đường đến Làng tuần lộc

Ngồi trên chiếc xe bon bon trên con đường tuyết giữa không gian rộng lớn, không một bảng chỉ dẫn, chạy xe hàng chục cây số mới thấy một mái nhà hay trại gia súc, mình tự hỏi:

– “Nếu không phải đi với người bản địa, làm sao mà tôi có thể tự đến đây được cơ chứ?”

“Chú đã lái xe khu này hơn 20 năm nay rồi, anh đừng lo”, cậu em người Mông Cổ nói như vậy khi thấy tôi vẫn cứ lo lắng vì không biết mình đang ở đâu giữa không gian rộng lớn và chỉ có một màu trắng xóa của tuyết, liệu mình có đi đúng đường không, nhỡ chuyện gì xảy ra ở nơi chạy xe cả ngày trời mới gặp một xe chạy ngược chiều lại thì làm sao,…

Thôi thì, cậu em mình đã nói thế rồi thì cũng yên tâm để ngồi tận hưởng vẻ đẹp mùa Đông của nơi này.

Tính ra thì cũng đã hơn 4 đêm rồi, kể từ khi hạ cánh xuống thủ đô Ulaanbaatar, đến ngày thứ 5 mình mới tiếp cận được với bộ lạc tuần lộc người Tsaatan này. Quãng đường khoảng 1000km, tuyết rơi dày cộm, những đoạn bắt đầu rẽ từ đường nhựa lớn để hướng vào khu rừng cứ như chơi trò tàu lượn vậy, ai yếu người chắc cũng phải dừng lại ói mấy chập rồi mới đi tiếp được.

“Tới rồi kìa!” – mình thốt lên khi thấy gần trước mắt mình là chiếc lều tam giác nhọn nhọn mà mình hay thấy trên phim ảnh về Mông Cổ. Bao nhiêu mệt mỏi cho chặng đường dài ấy tan biến, mình xuống xe và bước đến khu lều ấy. Ông chú Davaajav chống chiếc gậy, đứng dậy và bắt tay chào mọi người.

Du Lịch Mông Cổ - Bộ lạc tuần lộc nguyên thủy cuối cùng

Những người du mục này sống dựa theo tự nhiên hàng ngàn năm nay rồi, trời thay đổi một chút hay dựa vào làn gió thổi thôi, họ cũng hiểu được “lời thì thầm của gió” ấy là gì để chuẩn bị cho phương án đối phó. Nên có khi họ đã “nghe mùi” của mình qua con gió đông hay sự rung động của bề mặt đất truyền tải cho biết có những chiếc xe ô-tô đang chạy đến… để mà ra chờ đón những vị khách du lịch đến trải nghiệm cuộc sống của họ.

Chú Davaajav dẫn mình đến chiếc lều nơi đang có vài người trong gia đình ông sinh sống, có người già, thanh niên và cả trẻ em nữa. Họ nhanh chóng xếp gọn đồ và nhường chỗ cho tụi mình. Đây là nơi mình sẽ ngủ đêm nay!

Lưu trú ở Làng tuần lộc nguyên thủy

Với việc phải di cư nhiều lần trong năm, dân du mục ở đây thường sử dụng các loại lều dễ tháo gỡ, lắp đặt. Đơn giản nhất là lều ortz hay còn gọi là teepes.

Lều này có hình dáng như hình chiếc nón được tạo thành từ khoảng 20 cây cao và thẳng, bên ngoài thường được phủ bằng lớp da tuần lộc hoặc những lớp vải, lớp bạt để che nắng, che gió, bên trong sẽ để khoảng 3-4 chiếc giường đơn sơ ở các góc lều. Giữa nhà là chiếc lò đốt củi với ống khói đưa thẳng lên trời để sưởi ấm, nấu ăn,…

Loại thứ hai là lều Gor hay còn lại là Yurt. Loại này có dáng lều hình tròn, trần thấp và có không gian sinh hoạt rộng hơn ortz. Dù là kiểu lều nào đi nữa, họ luôn có bếp củi bên trong lều để giữ ấm cho cả gia đình và là nơi để cả gia đình ngồi sum vầy cùng nhau vào những ngày đông lạnh giá của vùng miền Bắc Mông Cổ này.

Dù bên ngoài có vẻ họ vẫn giữ nguyên nét bí ẩn của quá khứ, tuy nhiên, bộ lạc Tsaatan này hiện đại hóa từng bước khi mỗi lều giờ đã có những tấm pin năng lượng mặt trời, có chảo vệ tinh để xem truyền hình nữa. Nhưng, họ vẫn giữ cho mình sự độc đáo về con người, văn hoá và sự gắn kết với thiên nhiên, đặc biệt là đàn tuần lộc của mình.

Tuy nhiên, sự thay đổi khí hậu của trái đất và sự phát triển của xã hội, bộ lạc tuần lộc Tsaatan đang đối mặt với nguy cơ biến mất. Số lượng người trong bộ lạc bây giờ chỉ còn khoảng 3-400 người mà thôi. Vì vậy, hiện tại chính phủ Mông Cổ đang hỗ trợ mỗi người trong gia đình từ trẻ đến già một khoản tiền mỗi tháng để góp phần giúp họ bảo tồn bộ lạc của mình.

Cho mấy cây củi vào lò sưởi ấm. Mình vén tấm màn cửa của chiếc lều teepees lên để vừa ngồi hơ tay trên bếp lửa, vừa ngắm nhìn ra khung cảnh bên ngoài, chứ bước chân ra khỏi cửa là nhiệt độ -30 độ C trực chờ.

Lần đầu mình gặp tuần lộc

Phía xa xa là rừng cây thông lá kim được tuyết nhuộm màu trắng, gần hơn là không gian thoáng đãng đầy tuyết và điều khiến cho khung cảnh trở nên “cổ tích” hơn khi những chú tuần lộc đi ngang qua, dừng lại dùng chân để đào lớp tuyết lên cho thấy mặt cỏ, rồi cúi xuống gặm lấy gặm để.

Khung cảnh này khiến mình ngồi lặng yên để ngắm nhìn thôi, vất vả để đến được đây cơ mà. Và đây cũng là lần đầu tiên mình được thấy tuần lộc ở ngoài đời thực, và gần đến thế.

Khi đã đủ ấm rồi, mình bắt đầu cầm chiếc máy ảnh và đi lang thang quanh khu rừng, quanh khu làng tuần lộc này để “săn” những  bạn tuần lộc. Chúng hiền queo, dễ tiếp cận để sờ vào bộ lông mượt mà và chụp hình cùng chúng nữa. Để ý mình thấy, phần lớn những bạn tuần lộc đang dần thay sừng, chỉ vài con còn sừng nguyên vẹn thôi.

Đó cũng là một phần tập tính của tuần lộc, chiếc sừng của đực trưởng thành thường rụng vào tháng 12, trong khi những con non hơn thì rụng vào đầu mùa xuân và con cái sẽ rụng sừng trong mùa hè. Điều này cũng giúp chúng thấy thoải mái khi di chuyển trong rừng và khoẻ mạnh hơn.

Nhờ vậy mà những người dân trong làng tuần lộc này cũng kiếm thêm được một ít tiền khi đi nhặt những chiếc sừng rụng về, rửa sạch và điêu khắc những hoa văn, hình ảnh của người du mục Mông Cổ lên chúng và bán cho khách du lịch.

Nhìn quanh mình thấy cậu bé người Tsaatan cưỡi con tuần lộc mà mình nghĩ nó nặng gấp chục lần so với số ký lô của cậu bé ấy. “Đúng là sống với tuần lộc có khác!” – mình chậc lưỡi và nói.

Tùy vào độ tuổi và độ lớn của tuần lộc mà người Tsaatan để chúng chở đồ đạc, vật dụng có trọng lượng bao nhiêu mỗi khi di cư hoặc trọng lượng của người cưỡi. Khách du lịch dưới 70kg có thể tham gia trải nghiệm cưỡi tuần lộc quanh khu làng dưới sự hỗ trợ của người Tsaatan.

Mình thì không khuyến khích hoạt động này, vì có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của tuần lộc nên chọn phương án đi bộ cùng chúng quanh khu làng. Cũng thú vị không kém nha.

Dù đường đi có xa xôi, vất vả, nhưng khi được tiếp cận để hiểu nhiều hơn về những người Tsaatan còn rất ít trên thế giới và hiểu hơn về tập tính của tuần lộc, mình thấy rất đáng để đến với bộ lạc tuần lộc cổ đại này nha.

Ngoài ra, khi đến với Mông Cổ vào thời gian này, bạn có thể trải nghiệm ngồi trên xe ngựa kéo trên mặt hồ băng Khuvsgul hơn 2 triệu năm tuổi rộng lớn, ngắm con sông thần tiên Duut không bao giờ đóng băng dù có -50 độ C đi nữa hay khám phá về lịch sử Mông Cổ tại bảo tàng Thành Cát Tư Hãn,… Một Mông Cổ nhiều câu chuyện văn hóa, lịch sử và trải nghiệm thú vị đang đợi bạn đó!