Hang Kia – Pà Cò ở Mai Châu (Hoà Bình) chưa từng nằm trong danh sách chỗ mình phải đi trong năm nay, nhưng bỗng nhiên một ngày ngồi coi Maps thì thấy cái tên “Điểm săn mây Hang Kia” nằm gần với con đường lên Mộc Châu khiến mình tò mò. Với cái đứa thuộc hệ thích mây, thích gió, thích mặt trời thì… làm sao mà cho nó thoát được cơ chứ. kkk. Não nghĩ, tay làm. Book lẹ những thứ cần thiết như là vé máy bay, homestay ở Hang Kia & đặt thuê chiếc xe máy. Xong xuôi. Đến ngày và đi thôi!

Tóm tắt hành trình
  • Cung đường: Hà Nội – Hang Kia (Mai Châu – Hoà Bình), khoảng 170km
  • Phương tiện: không có xe khách vào Hang Kia nên tốt nhất là di chuyển bằng xe máy. Có thể thuê tại Motogo, chi phí khoảng 150k/ngày
  • Ở đâu Hang Kia: Mình thấy có vài homestay ở đây, nhưng mình nghĩ tốt nhất vẫn là Homestay Y Múa nha. Có phòng dorm, phòng đôi. Có nước nóng & phục vụ ăn uống các kiểu. Tối đến có cả dịch vụ ngâm chân thuốc Nam nữa. Dzui dzui thì sẽ được nghe chị Y Múa chủ nhà hát giao lưu ^^. Alo số: +84869518998 để đặt phòng cho lẹ ha. 😀
  • Ăn & Uống: gà bản nướng, heo bản nướng, bánh dày rán chấm mật ong, uống rượu ngô nóng,…
Thung lũng Hang Kia ở đâu?

Sau khi đến Hà Nội, mình đến điểm hẹn để nhận chiếc xe máy đã đặt thuê trước đó ở Motogo. Àh, có thể nhờ Motogo ship xe đến chỗ bạn ở được nha, tại chỗ mình ở gần Motogo nên đến cho lẹ, để dành xèn ship đó đổ xăng chơi. kkk. Đến Motogo, mình khá ấn tượng với sự chuyên nghiệp của Motogo. Xe vừa trả về đều được kiểm tra kỹ lưỡng, thay nhớt khi cần, bơm xe đủ, xe dơ được đem đi rửa sạch sẽ trước khi giao cho khách. Hợp đồng đầy đủ và chi phí cũng hợp lý. 😀

Hang Kia Pà Cò - Vinh Gấu

Lên đường thôi. Nhưng không quên húp trọn tô Phở bò tái ở ngay góc Hàng Gai với Hàng Hòm lúc sáng sớm để giúp chiến sĩ ấm chiếc lòng. Mở chiếc Google Maps lên và thẳng hướng đến Hang Kia. Băng qua đường song hành với Cao tốc CT08 Láng – Hoà Lạc, rồi băng qua Thành phố Hoà Bình, rẽ qua Quốc lộ 6. Đoạn đường trước khi tới đèo Thung Khe thiệt là buồn ngủ vì cảnh quan chán òm, chả có gì ngắm nghía.

Hang Kia Pà Cò - Vinh Gấu

Khác với Hà Giang, chỉ cần vừa rời khỏi thành phố thôi là cảnh đồi núi trập trùng liên tục tọi khiến cho đoạn đường đi đầy phấn khích hơn nhiều. :3 Dừng xe ở khu bán đồ ăn linh tinh ở đoạn giữa đèo để pha bình cà phê uống cho ấm người, tiện thể ăn thêm mấy xiên lợn bản nướng than hồng với da giòn rụm thơm lừng. Coi như ăn trưa lun :3

Hang Kia Pà Cò - Vinh Gấu

Hang Kia Pà Cò - Vinh Gấu

Đã cái nư rồi. Đi tiếp. Rời đèo Thung Khe chưa bao xa là đến lối rẽ vào Pà Cò để đến với thung lũng Hang Khe. Đoạn đường từ ngoài Quốc lộ 6 rẽ vào tới đây khá xấu và có một chút vòng vèo trong suốt đoạn đường khoảng 8km. Nhưng đến khi chuẩn bị thả chiếc xe trôi chậm dần từ trên đỉnh núi xuống, thung lũng Hang Kia dần hiện ra phía dưới chân núi với bốn bề là núi. Đẹp quá, mình phải tự thốt lên như vậy khi càng ngày càng đến gần hơn với Hang Kia.

Từ “Thiên đường” của cây thuốc phiện…

Cách đây khoảng 300 năm, người H’Mông di dân từ Trung Quốc sang Việt Nam sinh sống nhằm trốn tránh những cuộc đàn áp nhiều tộc người của các triều đại phong kiến Trung Hoa. Nên để ý bạn có thể thấy, dọc biên giới Việt – Trung có nhiều người H’Mông sinh sống lắm, như là Hà Giang, Lào Cai, Sơn La,… Người H’Mông chia thành 4 nhóm: H’Mông Hoa, H’Mông Đen, H’Mông Xanh và H’Mông Trắng. Tuy vậy, ngôn ngữ và văn hoá của họ cơ bản là giống nhau. Và ở thung lũng Hang Kia, chiếm phần lớn là người H’Mông Hoa.

Hang Kia Pà Cò - Vinh Gấu

Có một điều khiến mình bất ngờ khi biết trước kia thung lũng Hang Kia mà mình đang mê mẩn này từng là “thiên đường” của cây thuốc phiện do những người Mông Hoa ở đây trồng và buôn bán. Ngồi nói chuyện với anh Nhà ở homestay mình ở, anh ấy giải thích rằng: Hang Kia có địa thế khá hiểm trở khi được bao quanh bởi những dãy núi và độ cao trung bình khoảng 1.200m so với mực nước biển, nên thời tiết ở đây ôn hoà quanh năm, sương và mây tràn xuống khu Hang Kia rất nhiều. Những hạt sương ấy là nguồn sống cực tốt cho những cây thuốc phiện, nên chúng phát triển tốt. Và, Hang Kia lại khá gần với khu vực biên giới Việt – Lào nên cũng góp phần “mời gọi” người dân nơi đây trồng cây thuốc phiện để kiếm tiền cho gia đình. Đó là những gì xảy ra từ trước năm 1991 thôi, còn hiện tại, khi đến Hang Kia bạn thấy diện tích đất trồng mận, trồng đào rộng bao nhiêu thì trước đây đó đều là diện tích người dân sử dụng để trồng cây thuốc phiện.

…đến Thiên đường bị bỏ quên

Mình gọi thung lũng Hang Kia là thiên đường bị bỏ quên của vùng Tây Bắc Việt Nam này có vẻ không ngoa vì khi đến đây bạn có thể hoà mình vào những làn sương sớm đang bay lơ lửng ngay trên những mái nhà, hay như đang “sống trên mây” vào mỗi buổi sáng vậy. Rồi tận hưởng sự bình yên của thung lũng này, chẳng có những tiếng ồn ào như đô thị mà thay vào đó chỉ là tiếng cây xào xạc, tiếng gà gáy mỗi sáng, tiếng trẻ em nô đùa, chẳng có những toà nhà cao tầng mà thay vào đó là những căn nhà kiểu H’Mông truyền thống mới dàn mái thấp lấp ló phía sau những cành đào, cành mận… và thậm chí, mình còn như “một người ngoài hành tinh” với nhiều người đồng bào ở đây khi chẳng dễ dàng gì để giao tiếp bằng tiếng Kinh với họ – hoặc cũng có khi họ chưa quen tiếp xúc với người lạ nên tỏ ra rất lạnh lùng.

Hang Kia Pà Cò - Vinh Gấu

Một ngày ở “thiên đường bị bỏ quên” của mình thường bắt đầu khi tiếng gà của nhà bên gáy liên hồi vào khoảng 5h sáng.  Chưa kịp giận mấy chú gà trống đó thì chợt nhận ra nhiệt độ ngoài trời lúc này chỉ khoảng 8 độ C, mà sẽ thật là tiếc nếu không được ngắm biển mây bồng bềnh vốn là một trong những “đặc sản” của thung lũng Hang Kia này. Mất gần chục phút để đấy tranh tư tưởng thì mình cũng đã có thể lật tung tấm chăn dày cui đang ủ ấm mình để bắt đầu các hoạt động vệ sinh buổi sáng và chuẩn bị chạy xe máy thêm khoảng 3 cây số nữa để đến với khu Săn mây Hang Kia.

Hang Kia Pà Cò - Vinh Gấu

Nhưng đời mà, đâu lúc nào cũng như là mơ. Như buổi sáng mình đến thì sương mù dày đặc khiến cho không thấy rõ được biển mây, không thấy được ánh mặt trời luôn. Theo kinh nghiệm của anh chủ homestay mình ở chia sẻ, nếu tối hôm trước mà thung lũng Hang Kia không có những hạt sương lớn – là những hạt sương đọng lại thành giọt nước trên các bề mặt – thì sáng hôm sau sẽ không có biển mây để ngắm đâu. Và, đúng thiệt, kinh nghiệm của một người sinh ra và lớn lên ở nơi này thật đáng gờm! Ở khu Săn mây này đã được thiết kế thêm những cây cầu Tình yêu, xích đu,… để những vị khách có thể đến để sống ảo.

Hang Kia Pà Cò - Vinh Gấu

Gạt bỏ nỗi buồn trong lòng vài giây ấy, mình tiếp tục chạy ra xa một xíu nữa theo hướng tới bản Thung Mài để hy vọng gặp được một điều gì đó thú vị để bù đắp cho nỗ lực “vượt qua chính mình” của mình chứ. Và, rời không phụ lòng người… đẹp trai 😛

Hang Kia Pà Cò - Vinh Gấu

Mình có phần đơ đi một chút khi ngắm nhìn cảnh tượng những làn mây nhanh nhảu luồn vào trong những tán cây rừng thuộc hàng cổ thụ trong khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia, rồi lặng lẽ sà xuống con đường quanh co đang ôm quanh ngọn núi để dẫn đến bản Thung Mài.

Hang Kia Pà Cò - Vinh Gấu

Hang Kia Pà Cò - Vinh Gấu

Ngắm nghía chán chê cảnh tưởng tuyệt đẹp ấy rồi, mình chạy xe về lại Hang Kia. Khi đến một khúc cua nhỏ để chuẩn bị vào làng, mình chợt thấy ánh nắng rọi qua những tán cây, kết hợp với làn sương sớm tạo ra một khung cảnh đẹp mê ly luôn.

Hang Kia Pà Cò - Vinh Gấu

Tiếng quét sân và tiếng cười giỡn tíu tít của lũ trẻ con đang chơi ở căn nhà gần đó trong không gian tĩnh lặng khiến cho mình cảm giác như trở lại một thời ấu thơ khi còn sống ở căn nhà gỗ nhỏ vậy. Bao ký ức vui vẻ ngày ấy ùa về!

Hang Kia Pà Cò - Vinh Gấu

Chạy thêm một xíu nữa thì mình vào tới bản làng của người Mông Hoa ở Hang Kia này. Gạt chân chống xuống, cởi chiếc nón bảo hiểm và cầm sẵn trên tay chiếc máy ảnh để đi khám phá ngôi làng này.

Hang Kia Pà Cò - Vinh Gấu

Ngôi làng được bao quanh bởi những dãy núi lớn nhỏ nên mỗi khi mặt trời lên cao một tí thì ánh sáng dần dần lan toả hết cả ngôi làng. Và, những làn sương sớm cứ quanh quẩn trên những mái nhà đã úa màu vì thời gian, những con đường nhỏ quanh trong làng để đợi nắng lên xua tan bớt cái lạnh ở đây. Thú vị nữa là, nơi nào có nắng là sẽ thấy ngay một nhóm nhỏ những người dân làng, già trẻ lớn bé có đủ, tụ tập lại cười nói và “tắm” nắng đầu ngày cho ấm. Thật là bình yên!

Hang Kia Pà Cò - Vinh Gấu

Điểm đặc trưng về những ngôi nhà của người Mông nơi đây là có mái hình chóp và chân mái kéo dài xuống thấp hơn nhiều so với cửa chính của ngôi nhà. Mình đứng từ sân thôi là đã cao hơn chân mái nhà rồi, nên mỗi khi muốn ra vào nhà là phải cúi xuống. Với thời tiết khắc nghiệt như ở vùng này, việc hạ chân mái thấp như vậy sẽ khiến những hạt sương nhanh chóng chảy xuống dưới hơn và hạn chế việc gió lùa vào nhà nữa.

Hang Kia Pà Cò - Vinh Gấu

Hang Kia Pà Cò - Vinh Gấu

Hang Kia Pà Cò - Vinh Gấu

Đi bộ quanh làng. Mình bắt gặp nhiều hình ảnh về những chị em người H’Mông ngồi cạnh những đống than đang đỏ ửng và thêu thùa những tấm vải thổ cẩm truyền thống của họ. Thời tiết lạnh quá mà, nên cần phải đốt thêm tí lửa cho ấm.

Hang Kia Pà Cò - Vinh Gấu

Mình thử vào bắt chuyện với họ nhưng có vẻ là họ không giao tiếp bằng tiếng Kinh nhiều nên rất khó khăn để nói chuyện với họ. Có lẽ công việc thêu thùa này là công việc chính để họ sinh sống vậy, đi góc nào cũng gặp họ ngồi thêu, từ sáng đến tối sau đó những sản phẩm này sẽ được các thương lái thu mua lại. Ngồi ngắm những đường thêu một cách tỉ mỉ, chẳng hỏi han được gì nhiều nên mình đành phải chào tạm biệt họ rồi tiếp tục khám phá nơi đây.

Hang Kia Pà Cò - Vinh Gấu

Mình gặp một đám trẻ con đang chơi đùa với nhau. Có đứa nhỏ xíu, nhỏ vừa và hơi lớn một chút. Chúng cười đùa dễ thương quá nên mình lại xin chụp tấm hình. Và một lần nữa, chúng lại có vẻ không hiểu ý mình muốn nói nên giở chiêu “ngôn ngữ hình thể” ra để giao tiếp.

Hang Kia Pà Cò - Vinh Gấu

Hang Kia Pà Cò - Vinh Gấu

Ngộ nữa là, mình cho chúng những cây kẹo trái cây ngậm mà bọn trẻ thành thị mê chết đi được – cả người lớn cũng mê, ấy thế mà chúng lại rất dè dặt với những vật này. Có lẽ là, chẳng có bao nhiêu người lạ đến với vùng đất mà chúng được sinh ra và lớn lên như vậy nên đến cả giao tiếp bằng tiếng Kinh cũng là một cái khó với chúng rồi. Thế mới thấy, Hang Kia còn hoang sơ đến cỡ nào ha, từ con người, đến những căn nhà và cả cảnh quan thiên nhiên ở đây nữa.

Hang Kia Pà Cò - Vinh Gấu

Hang Kia Pà Cò - Vinh Gấu

Xen lẫn vào vẻ đẹp của con người nơi đây là những vườn hoa mận, hoa đào đang nở rộ khắp nơi trong làng. Những cành mận, cành đào trở nên ú hơn một tí khi các chùm hoa nở dày, đều và đẹp mắt hết sức.

Hang Kia Pà Cò - Vinh Gấu

Hang Kia Pà Cò - Vinh Gấu

Hang Kia Pà Cò - Vinh Gấu

Hang Kia Pà Cò - Vinh Gấu

Người dân ở đây không kinh doanh trên những gốc mận như cách người ở các điểm du lịch khác nên cảnh đẹp ở đây rất tự nhiên và không hề có cảnh chen lấn để có được những góc hình đẹp với loài hoa đặc trưng ở nơi đây vào thời gian này của năm. Nhưng bạn có thể thuê đồ của đồng bào H’Mông ở homestay để mặc và chụp hình nha.

Như mình có chia sẻ ở đầu bài, nơi mình đang đứng ở đây xưa kia chính là những khu vườn hoa thuốc phiện đó. Đi quanh làng, ngắm những vườn hoa này rồi hình dung đến những năm xa xưa mà họ trồng cây thuốc phiện mới biết nó rộng lớn cỡ nào.

Hang Kia Pà Cò - Vinh Gấu

Vậy đó, thung lũng Hang Kia không hẳn sẽ có thể dành cho tất cả mọi người vì sự hoang sơ đến mức có thể nói là “chán muốn chớt” luôn, chẳng có gì chơi, chẳng có quán xá gì. Nhưng, nếu bạn đang cần tìm một nơi bình yên hết mức, cảnh quan thiên nhiên như chưa bị con người tác động vào nhiều, gặp gỡ những con người thuần địa phương,… thì chắc chắn bạn sẽ yêu thích “thiên đường bị lãng quên” này lắm đó.