Phú Yên có thể là một cái tên thú vị để nghĩ tới khi muốn “đi trốn” vào dịp cuối tuần. Không chỉ là cảnh quan còn khá là hoang sơ & đẹp mà ẩm thực xứ này vừa ngon vừa rẻ nữa chứ.

Các điểm đến của Phú Yên chia thành 3 khu vực chính, khu trung tâm thành phố Tuy Hoà với điểm nhấn là Núi Nhạn, khu hướng Bắc thì có Ghềnh Đá Đĩa về hướng Nam thì có Vũng Rô – cách trung tâm TP Tuy Hoà với bán kính tầm 30-40km thôi àh, dư sức để đi trong 02 ngày cuối tuần.

Lịch trình gợi ý ngắn gọn sẽ là thế này:

  • 9h tối Thứ 6 lên tàu SQN/SE để đi từ Sài Gòn đến ga Tuy Hoà
  • Thứ 7: Sáng thi triển hướng Bắc khám phá nhà thờ Mằng Lăng, Ghềnh Đá Đĩa, Bãi Xếp… Chiều về loanh quanh khu trung tâm Tuy Hoà, khám phá ẩm thực.
  • Chủ Nhật: Ngủ dậy thì triển khai hướng Nam khám phá Bãi Môn, Hải Đăng, Vũng Rô… Chiều về trung tâm Tuy Hoà đi ăn uống, mua sắm. Tối lên tàu về lại Sài Gòn.

Phê chưa? Phê chưa? Vào dsvn.vn book liền chiếc vé tàu nào nào :v


Bài viết khác về Tuy Hoà (Phú Yên)

CUỐI TUẦN Ở TUY HOÀ: NHÀ THỜ MẰNG LĂNG, GÀNH ĐÁ ĐĨA, ĐẦM Ô LOAN, HÒN YẾN, BÃI XẾP

CUỐI TUẦN Ở TUY HOÀ: BÃI MÔN, MŨI ĐIỆN, VŨNG RÔ

TUY HOÀ: TOP 10 MÓN NGON GÂY THƯƠNG NHỚ


Mình sẽ chia bài này theo từng khu vực ha, và tuỳ vào lịch trình của bạn đi lại như thế nào để chọn lựa cho phù hợp hen. 😀 Và sẽ mở màn với bài về Trung tâm Tuy Hoà nha ^^

TRUNG TÂM TUY HOÀ

1.Núi Nhạn

Chạy đến cuối con đường Lê Trung Kiên là các bạn sẽ thấy ngay bảng chỉ dẫn lên núi Nhạn. Ỏn ỏn tay ga một vài vòng núi là tới đỉnh của núi Nhạn, tấp dzô, gửi chiếc xe và đi bộ vài bước là tới Tháp Chàm ở ngay giữa đỉnh núi Nhạn. Núi Nhận cao tầm 60m so với mặt nước biển, đủ cao để mình định vị được “khu bán bánh bèo chén” ở đâu khi ngóc đầu lên nhìn và định hướng đường đi mà không cần dòm bản đồ. =))) Siêu ko? 😛

Tháp được xây dựng bằng gạch nung đặc trưng của kiểu tháp Chăm với nhiều kích cỡ khác nhau. Ngộ cái là dù chẳng còn dùng tới hồ vữa nào nhưng công trình này lại vững chắc vô cùng. Không một khe hở nào luôn mới ghê chứ. Bên trong tháp Chăm này có thờ bà chúa Thiên Y A Na – người có công khai sáng người Chăm. Bên ngoài thì có những góc nhìn ngắm thành phố Tuy Hồ từ trên cao.

2.Cảng cá Đông Tác

Chỗ này thích hợp cho bạn nào tò mò về “mắt cá ngừ ở đâu ra mà lắm thế” nha, vì nơi đây là một trong những cảng cá mỗi ngày đón không biết bao nhiêu con tàu đánh cá cập cảng để đưa những con cá họ đánh bắt được từ khơi xa về.

Mỗi lần cá về là cả khu cảng nhộn nhịp lên hẳn, tiếng mấy ông anh da ngăm đen hò nhau để lôi con cá to oành từ trong thùng cá lên bờ, tiếng của các cô các chị gọi nhau kéo con cá lên cán và khiêng ra chỗ chiếc xe thùng lạnh, rửa qua với nước, cân ký và đưa lên xe. Có đủ loại cá, cá hối, cá chim, cá cờ,… và nhiều nhất là cá ngừ – bởi dzị mới nói Phú Yên là thủ phủ của cá ngừ đại dương.

Mỗi chuyến đi đánh bắt như này thường kéo dài 1-2 trăng (từ mà dân đi biển dùng để thay thế cho 1 đến 2 tháng). Và mỗi ngày có khoảng 2 slots tàu cá lớn về thôi, tầm 10h sáng và 1h30 chiều, còn trong ngày thì rải rác các tàu cá nhỏ lẻ đánh bắt gần bờ vào.

3.Làng nghề bánh tráng Đông Bình

Bánh tráng là cái món bạn dễ dàng thấy ở đa số các quán xá khu vực miền Trung. Người miền Trung thích ăn bánh tráng lắm. Lúc thì nướng lên để xúc đồ ăn (xúc hàu xào, xúc lươn bằm,…), bẻ nhỏ để bỏ vào cháo,… lúc thì nhúng qua với nước để cuốn, cuốn với thịt luộc, cá nục, thậm chí cuốn với cả chiếc bánh xèo một cách gọn gàng. Và Tuy Hoà cũng không phải là một ngoại lệ khi ở đây có nhiều làng nghề bánh tráng truyền thống như là làng nghề Hoà Đa. Tuy nhiên, gần với trung tâm Tuy Hoà nhất là làng nghề bánh tráng Đông Bình, chỉ cách trung tâm khoảng 4km thôi àh.

Đặc điểm để nhận diện ra ngôi nhà nào đang làm bánh tráng ấy là ống khói đang xả khói, mon men theo là tới hướng đó là tới. Mình là fan cứng cựa của bánh tráng từ nướng tới nhúng và ngược lại mà đây là lần đầu tiên thấy và hiểu cách họ làm bánh tráng như thế nào áh. Mấy chỗ này thường không mở public cho ai muốn thì dzô đâu nha, các bạn nhớ hỏi xin phép trước khi vào nhà người ta nha :))))

Hỏi han tí thì mới biết là bánh tráng được làm bằng gạo, xay ra, thêm bột năng vào, quấy đều lên là đã sẵn sàng lên “thớt” rồi. “Thớt” ở đây là một tấm vải căng trên một chiếc nồi nước sôi òng ọc. Lửa được đốt bằng chấu, chấu được thêm vào đều tay để đảm bảo lửa cứ đều đặn cháy như vậy. Đúng là chuyên nghiệp có khác, làm đều tay vãi chưởng, đổ lớp bột lên lớp vải, dàn đều ra theo hình tròn, đậy nắp lại, vài giây sau lại mở nắp lên, lấy bánh ra bỏ lên cái bánh xe quay gần đó. Rồi lại đổ bột lên… cứ thế, một ngày cô ấy làm ra hơn 2000 cái bánh tráng đó quý dzị.

Bánh bỏ lên bàn xoay xong, cô khác lại lấy bánh để bỏ lên dàn khay bằng tre, mỗi khay khoảng 5 cái bánh, xong rồi đem ra phơi nắng tầm 20 phút gì đó là xong. Khi bánh đã khô thì mang vô, lấy ra và xếp theo ràng, mỗi ràng 50 cái. Và ràng này là dùng để đem ra chợ bán hoặc phân phối đến các đầu nậu, nhà hàng,… blah blah blah.

Đến đây xem tận mắt mới thấy là cần lắm một chiếc tâm huyết và sự khéo léo, tỉ mỉ khi bắt tay vào công việc để ra được món bánh tráng nhìn đơn giản mà hông đơn giản tẹo nào.

4.Quảng trường 1/4

Quảng trường này rộng hoành tá tràng, ban ngày thì ra tắm nắng =)) chiều xuống thì cho mấy đứa trẻ con ra chơi xe điện, người lớn thì ngồi rung đùi uống nước mía, ăn xiên nướng, đi bộ dzòng dzòng cho dzui.

Sau lưng Quảng trường là khu tắm biển của người dân nơi này và của khách du lịch nữa. Chiều đến thì người đổ ra biển tắm hơi bị đông 😀 Hông tắm thì có thể mua xiên nướng, ngồi ghế, tựa lưng ngắm trời, ngắm biển, ngắm người hen. Cũng dzui! ^^

5.Bài chòi

Đi dọc các tỉnh miền Trung thì chắc chắn thế nào cũng được nghe bài chòi, mình đã có dịp nghe bài chòi ở Hội An, Cù Lao Xanh và mới đây là Tuy Hoà. Nói một cách dễ hiểu thì bài chòi là kiểu chơi người nghệ nhân sẽ dùng những câu ca dao, thơ ca,… để đưa vào các câu hát, câu hò của họ, sau đó sẽ đưa ra quân bài họ đang cầm trên tay.Ai  có 3 quân bài được hô là người chiến thắng – như chơi Bingo, Lô tô vậy đó.

Khác với Hội An, người thắng cuộc ở mỗi lượt bài chòi ở đây sẽ nhận được tiền. Giá mỗi lá bài chòi là 10k, nếu thắng họ sẽ nhận được 50-60k. Hấp dẫn chứ ha 😛 Ở Tuy Hoà bạn có thể chạy ra khu dân làng chài ở cuối đường Bạch Đằng hoặc ở khu công viên đường Hùng Vương để thưởng thức và trải nghiệm nha. 😀

Đó là phần chơi, còn phần Ăn thì…một nùi món ngon để ăn ở Trung tâm Tuy Hoà. Các bạn CLICK VÀO ĐÂY để xem Top 10 món nên ăn khi đến Tuy Hoà nhen. ^^

Related Posts