MÈO VẠC CÓ GÌ HAY? – Hà Giang có một con đường Hạnh Phúc dài khoảng 185km, bắt đầu từ Hà Giang và kết thúc ở Mèo Vạc. Con đường này trở nên huyền thoại khi được hơn 2000 người từ 16 đồng bào dân tộc đã thi công con đường chỉ bằng những dụng cụ thô sơ trong suốt 8 năm trời. Và đoạn cuối của con đường Hạnh Phúc này là con đèo Mã Pí Lèng – một trong “tứ đại đỉnh đèo” của nước Việt Nam – nơi mà bất cứ tâm hồn lang thang nào cũng muốn đến và khám phá.

BÀI VIẾT VỀ DU LỊCH HÀ GIANG

DU LỊCH HÀ GIANG – THÁNH ĐỊA CỦA TÂM HỒN LANG THANG

Mèo Vạc có gì - Auberge de Meo Vac

Theo tiếng H’Mông, Mã Pí Lèng có nghĩa là “sống mũi con ngựa” để nói đến sự hiểm trở của đoạn đường này với đỉnh núi dựng đứng như sống mũi con ngựa vậy. Nhưng với những “kinh nghiệm” đã có ở những đoạn đường trước đó khi tự chạy xe từ Hà Giang lên tới Đồng Văn thì mình đoạn đèo này cũng dễ dàng để chinh phục thôi. Ngoài cảm giác “đã cái nư” khi được lái xe trên con đèo Mã Pí Lèng này, bạn sẽ còn thấy sướng con mắt khi trước mắt bạn, một bên là vách đá cao tít và một bên là con sông Nho Quế đang chảy uốn quanh những chân núi. Đã lắm, cứ từ từ mà tận hưởng nha.

Mèo Vạc có gì - Auberge de Meo Vac

Ở phía cuối con đèo Mã Pí Lèng này là Mèo Vạc, bạn sẽ nhận ra những con đường trở nên thông thoáng hơn, ít người hơn, trầm hơn và bình yên hơn nhiều khi so với Đồng Văn. Mình chọn cách ngủ lại ở một căn nhà cổ của người H’Mông nằm ở thung lũng Mèo Vạc để tận hưởng hết sự bình yên ấy.

Mèo Vạc có gì - Auberge de Meo Vac

Cách đây khoảng 300 năm, người H’Mông di dân từ Trung Quốc sang Việt Nam sinh sống nhằm trốn tránh những cuộc đàn áp nhiều tộc người của các triều đại phong kiến Trung Hoa. Nên để ý bạn có thể thấy, dọc biên giới Việt – Trung có nhiều người H’Mông sinh sống lắm, như là Hà Giang, Lào Cai, Sơn La,… Người H’Mông chia thành 4 nhóm: H’Mông Hoa, H’Mông Đen, H’Mông Xanh và H’Mông Trắng. Tuy vậy, ngôn ngữ và văn hoá của họ cơ bản là giống nhau.

Khi đến thị trấn Mèo Vạc này để sinh sống, một nhóm người H’Mông trắng lập làng và gọi là Chúng Pủa – nghĩa là Bên Suối. Họ sinh sống trong những ngôi nhà có kiến trúc truyền thống của dân tộc Mông trong một thời gian dài, cho đến khi người Kinh đến sinh sống và mang theo những lối kiến trúc mới, hiện đại hơn. Ngày nay, ở thung lũng Mèo Vạc này chỉ còn 2 ngồi nhà cổ còn giữ nhiều nét kiến trúc truyền thống xưa thôi. Một trong số đó là ngôi nhà cổ Chúng Pủa với tên tiếng Pháp là Auberge de Meo Vac này.

Mèo Vạc có gì - Auberge de Meo Vac

Nhà cổ Chúng Pủa từng thuộc sở hữu của ông Vàng Mí Sì, sau đó đã bán cho một người khác vào năm 2011 rồi. Ngôi nhà từng được xây dựng với lối kiến trúc của giới thượng lưu người Hán ở miền nam Trung Hoa, ngôi nhà từng là một trang trại được xây dựng một pháo đài với 4 dãy nhà có mái nối liền nhau tạo thành hình tứ giác. Nhưng ngày nay, ngôi nhà được phục dựng lại với 2 dãy nhà góp phần lưu giữ kiến trúc truyền thống đặc biệt của dân tộc Mông và làm nơi lưu trú cho những tâm hồn thích lang thang khi đến với Mèo Vạc.

Mèo Vạc có gì - Auberge de Meo Vac

Chỉ cần đặt chân qua chiếc cổng gỗ khá thấp với mái lợp ngói máng âm dương với bệ đá ngoài trụ được tạc hình lợn nái bên bụi khoai môn một cách tinh tế. Mình như lạc vào một thế giới khác.

Mèo Vạc có gì - Auberge de Meo Vac

Xung quanh chẳng còn những bức tường được xây dựng bằng gạch, xi-măng mà thay bằng những hàng rào đá được xếp một cách thủ công và không cần một chất kết dính nào (như xi-măng) cả. Tài thật chứ. Hẳn là những người thợ khi ấy đã rất mất thời gian khi tỉ mỉ chọn, đẽo & sắp lại những viên đá để tạo nên một hàng rào dày và chắc chắn như vậy.

Mèo Vạc có gì - Auberge de Meo Vac

Ở giữa không gian mình đang đứng là sân trời được lát đá tảng. Bậc thang lên căn nhà tường trình trước mặt mình cũng vậy. Người Mông xưa họ làm nhà rất thủ công, như cách họ tạo nên những bức tường nhà vậy đó.

Mèo Vạc có gì - Auberge de Meo Vac

Khi làm nhà, chủ nhà sẽ chọn loại đất có độ kết dính tốt nhất, lọc bỏ hết rác, rễ cây,… ra. Những người thợ tạo ra khuôn gỗ dài cỡ 1.5m, rộng cỡ 50cm và đắp từng lớp đất đã làm sạch ấy vào trong khuôn, dùng một cây để gõ, để vỗ liên tục nhằm nén từng lớp đất ấy xuống. Từ lớp này qua lớp khác, dần dần sẽ tạo nên những bức tường thẳng thớm như vậy. Đặc biệt, trong thời gian đắp đất này, người lạ và phụ nữ không được lại gần khu vực xây dựng ấy.

Với cách làm thế này, nhà trình tường thường sẽ mát vào mùa hè và ấm vào mùa đông nên rất là thích hợp với điều kiện khí hậu ở vùng Cao Nguyên đá Đồng Văn này.

Để ý bạn có thể thấy những biểu tượng hoa hồi được xếp bằng ngói âm dương và đặt ở trên những mái nhà và mái che ở cổng chính.

Mèo Vạc có gì - Auberge de Meo Vac

Mình có hỏi bạn quản gia ở đây xem có ý nghĩa tâm linh hay tín ngưỡng gì của người H’Mông xưa không mà thấy nhà nào cũng có, thì bạn ih bảo là: không, không có gì cả. Chỉ là biểu tượng cho loại nguyên liệu thường xuất hiện trong nhiều món ăn của người H’Mong như là thắng cố,… thôi àh. :3

Lên mấy bậc thang bằng đá tảng là thềm nhà.

Mèo Vạc có gì - Auberge de Meo Vac

Ở đây để sẵn bộ bàn ghế ở một bên và những chiếc gùi để khách có thể “tự sướng”. Kế đó là những bệ đá đỡ những trụ gỗ được điêu khắc với hình tượng hoa anh túc được mài cho bóng để tạo dấu ấn về hoạt động buôn bán thuốc phiện ngày xưa. Cũng khá giống với Dinh vua Mèo nhà họ Vương ở Đồng Văn, chỉ những ai thuộc giới thượng lưu ngày xưa mới đủ điều kiện để làm những điều này áh.

Mèo Vạc có gì - Auberge de Meo Vac

Bước chân qua cánh cửa gỗ là mình vào bên trong ngôi nhà chính. Ngôi nhà có 3 gian, 1 gian là phòng ngủ cho vợ chồng, 1 gian là phòng cho con cái hoặc khách, gian giữa sẽ là nơi đặt lò sưởi và bàn ăn cơm, bàn uống nước để tiếp khách. Lầu trên cũng có thiết kế tương tự như vậy. Các loại gỗ được dùng để ngăn các phòng là loại gỗ Thông đá, một loại gỗ quý của vùng Cao Nguyên này.

Mèo Vạc có gì - Auberge de Meo Vac

Và loại gỗ được dùng chính là gỗ sa mộc và pơ mu nên tới bây giờ vẫn còn sử dụng tốt và màu gỗ ngày càng nhìn đẹp hơn, sang trọng hơn theo thời gian. Đôi khi những bước chân trên sàn gỗ để lại những âm thanh cót két nhưng tự nhiên làm tui thấy thích thú hơn, cảm giác như được sống lại căn nhà gỗ cũ hồi xưa xưa tui ở khi còn ở Buôn ih. Ban ngày thôi nha, chứ đêm khuya thì… âm thanh này không có gì vui đâu :v

Mèo Vạc có gì - Auberge de Meo Vac

Bước qua chiếc cửa gỗ sau nhà là khu vệ sinh gồm 2 toilets & 4 phòng tắm được trang bị máy nước nóng và cả đèn sưởi nữa. Mình có thể ngủ ở nơi chật chội hay rối nùi một tí cũng được nhưng toilet và phòng tắm phải sạch sẽ để “tạo cảm hứng” gửi tình yêu vào bồn nước hơn nữa chứ. =)) và điểm này, ngôi nhà này quá ổn!

Mèo Vạc có gì - Auberge de Meo Vac

Bước ra ngoài sân trời lại. Chiếc cổng vào nhà chính tự nhiên trở nên nên thơ khi trời dần tối vãi ra. Ánh đèn vàng ở trên mái ngói âm dương tạo thêm điểm nhấn trên nền xanh rì của cỏ cây, của lưng chừng núi xa xa ngoài kia. Ngồi ở chiếc ghế để sẵn ở thềm nhà, nghe vài bản nhạc jazz và cứ tận hưởng cái view ấy, nó đã gì đâu ih.

Mèo Vạc có gì - Auberge de Meo Vac

Àh quên chưa nói về căn nhà 2 tầng ở bên phải ngôi nhà tường trình. Tầng trên được chia ra một phòng lớn để làm phòng ngủ tập thể cho khách, một phòng nhỏ hơn là nơi để đồ đạc và cũng là nơi để nhân viên ngủ lại.

Mèo Vạc có gì - Auberge de Meo Vac

Mình ngủ ở đây đó, chỉ trải tấm nệm, thêm cái chăn cái gối nữa là có thể đổ người ra ngủ rồi. Sáng dậy, mở cửa sổ ra là đã thấy khung cảnh thiên nhiên khá là xinh xắn. 😛 (thiệt ra là vì ngủ phòng này rẻ, 300k/đêm àh, chứ tiền đâu mà trả 1tr1/đêm cho phòng đôi ở trong ngôi nhà tường trình chứ T.T, ai nói travel blogger giàu đâu?!?)

Mèo Vạc có gì - Auberge de Meo Vac

Tầng dưới là quầy lễ tân với những bộ bàn ghế gỗ cũ. Khi mình đến được bạn quản gia mời một bình trà bạc hà để uống cho ấm lòng, xua tan cái lạnh của Mèo Vạc và cái lạnh của sự cu-đơn khi đến đây chỉ có mình ên. =))

Phía sau quầy lễ tân là khu bếp núc. Bạn có thể đặt cơm phần ở đây để ăn tối với giá 250k/phần/người. Bữa tối mình đặt khá là nhiều so với một người ăn, với nhiều món lắm, nào là măng xào, rau luộc, canh rau, thịt xào, chả cá, đặc biệt có thêm món lạp xưởng heo treo gác bếp và một bình rượu ngô men lá của nhà tự làm nữa.

Mèo Vạc có gì - Auberge de Meo Vac

Cố lắm cũng không thể ăn hết nổi bấy nhiêu đây món. Rượu ngon mà lại uống một mình nên cũng chỉ có uống vài ly rồi thôi àh. Nhưng mình lại thích cái cảm giác ngồi trong căn nhà tường trình cổ ấy để ăn một bữa ăn ngon miệng. Tiếng than cháy tách tách ở cái bếp lửa bên cạnh cái bàn ăn khá thú vị. Bên trên bếp lửa ấy là những cây lạp xưởng heo được treo để hun khói, hun lửa. Nhìn hấp dẫn lắm luôn :3

Mèo Vạc có gì - Auberge de Meo Vac

Nếu bạn đi nhóm đông, hoặc chịu chi khoảng 800k, bạn có thể nhờ quản gia ở đây để mời nghệ nhân thổi khèn truyền thống của người H’Mông đến để biểu diễn đó. Thêm tí rượu dzô nữa là tha hồ nhảy múa luôn ha, nghĩ tới thôi là thấy dzui phơi phới rồi. 😉

Mèo Vạc có gì - Auberge de Meo Vac
Ảnh: Thảo Giang

Buổi tối ở Mèo Vạc… chẳng có gì. Có chút cồn trong người và cũng no bụng nên kéo theo đôi mắt nó rũ xuống. Ngồi ngắm ngôi nhà một tí cho xuống cơm, xuống thịt rồi leo “lên chuồng” để ngủ sớm cho phẻ. Có được một ngày để trải nghiệm ngôi nhà truyền thống cổ của người H’Mông, một bữa tối nhiều món địa phương và một đêm ngủ thiệt ngon ở đây đã là quá đủ cho thời gian ngắn mình ở Mèo Vạc rồi. Ngủ thôi, sáng hôm sau lại xách xe chạy đi Du Già chơi rồi. 😛

Thông tin đặt phòng Auberge De MeoVac:

  • Gửi Thông tin đặt phòng tới email: [email protected], sau đó bạn sẽ nhận được mail xác nhận đặt phòng nha. Ở đây họ không nhận đặt phòng qua điện thoại 😛
  • Giá phòng (tham khảo): 300k/người/đêm ở phòng tập thể, 1.1tr/phòng đôi/đêm