Bảo tồn Rùa biển ở Côn Đảo – Từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm, hòn Bảy Cạnh thuộc Vườn quốc gia Côn Đảo tạm ngưng đón các loại tàu, thuyền đến neo đậu tại Bãi Cát Lớn để tạo không gian yên tĩnh cho Rùa biển lên bờ đẻ trứng vào mùa sinh sản. Trong đó, cao điểm nhất của mùa Rùa biển sinh sản được tính từ tháng 6 đến tháng 8. Nhờ vậy, hòn Bảy Cạnh không chỉ là thiên đường đẻ trứng cho Rùa biển mà còn trở thành điểm đến lý tưởng để du khách có được những trải nghiệm thú vị không nơi nào ở Côn Đảo có được.

BÀI VIẾT KHÁC VỀ DU LỊCH CÔN ĐẢO:

HÀNH TRÌNH RÙA CON VỀ VỚI BIỂN

01 NGÀY CỦA TÌNH NGUYỆN VIÊN BẢO TỒN RÙA BIỂN

BẢO TỒN RÙA BIỂN – BÃI DƯƠNG CÔN ĐẢO CÓ GÌ?

5 ĐIỂM TÂM LINH PHẢI GHÉ KHI ĐẾN CÔN ĐẢO

DU LỊCH CÔN ĐẢO – CÔN ĐẢO CÓ GÌ?

Du lịch Côn Đảo - Thiên đường biển mùa Rùa đẻ trứng ở Hòn Bảy Cạnh

Côn Đảo thuộc tỉnh nào?

Côn Đảo là một huyện đảo trực thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cách Vũng Tàu khoảng 97 hải lý (tầm 180km đường biển). Tuy nhiên, Sóc Trăng lại là thành phố gần với Côn Đảo hơn, chỉ khoảng 40 hải lý (tầm 74km đường biển) – bởi vậy ngày xưa những người tù mà thoát được khỏi các nhà tù Côn Đảo là thẳng hướng Sóc Trăng để sớm trở về đất liền.

Côn Đảo còn có các tên gọi khác như là Côn Sơn, thời thế kỷ XX thì gọi là Côn Lôn như trong tác phẩm thơ Đập đá ở Côn Lôn của Phan Chu Trinh ih.

Hòn Bảy Cạnh ở đâu?

Bảy Cạnh là một hòn đảo biệt lập giữa biển khơi, có diện tích lớn thứ 2 trong tổng số 16 đảo lớn nhỏ khác nhau và nằm về phía Đông của đảo lớn Côn Sơn. Bảy Cạnh mang vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng và được bao phủ bởi một màu xanh rì của khu rừng nguyên sinh, tạo cảm giác nhẹ nhàng cho mọi du khách khi đứng trước khung cảnh nên thơ hòa quyện bởi cả hai yếu tố rừng và biển.

Du lịch Côn Đảo - Thiên đường biển mùa Rùa đẻ trứng ở Hòn Bảy Cạnh

Vẻ đẹp hoang sơ của Bãi Cát Lớn

Nói đến hòn Bảy Cạnh, không thể bỏ qua Bãi Cát Lớn.

Bãi Cát Lớn được xem là bãi biển đẹp nhất ở hòn Bảy Cạnh khi có được địa thế đẹp mắt, nép mình vào khu rừng nguyên sinh cùng bờ cát trắng uốn lượn theo hình chữ C và làn nước biển trong vắt với màu xanh ngọc bích đẹp mê mẩn, mặt biển êm đềm phản chiếu cả một bầu trời mênh mông. Đặc biệt, mực nước ở bãi biển này lại không sâu, cứ lài lài ra biển nên rất tiện và an toàn cho mọi du khách khi tắm biển.

Khi ra tới đây, mình thường mang theo võng để mắc dưới những tán cây bàng lâu năm, một bộ pour cà phê để tự pha và thưởng thức cà phê ngay tại bờ biển, những cuốn sách hay để đọc và nghiền ngẫm trong làn gió mát và không quên mang theo loa để tận hưởng những bản nhạc thật chill,… Cứ đung đưa võng một chút, mình lại chạy ùa ra biển bơi lội một hồi, rồi lên nhâm nhi ly cà phê ấm ấm, rồi lại leo lên chiếc võng tiếp tục đung đưa, đọc sách để tận hưởng bãi biển tuyệt đẹp này.

Bảo tồn rùa biển ở hòn Bảy Cạnh (Côn Đảo) có gì thú vị?

Trải nghiệm xem rùa biển đẻ trứng

Trải nghiệm xem rùa biển đẻ trứng là một “đặc sản” của hòn Bảy Cạnh trong thời điểm này, khi mỗi ngày có rất nhiều Rùa mẹ lên bờ để đẻ trứng ở đây. Tuy nhiên, để có được trải nghiệm này, du khách thường phải đăng ký với Vườn quốc gia Côn Đảo để được sắp xếp phương tiện đi lại, ăn, ở tại Trạm kiểm lâm Bảy Cạnh cho tiện việc tham gia trải nghiệm. Vì rùa biển chỉ lên bờ đẻ trứng vào buổi tối và khi con nước lớn mà thôi.

Bảo tồn rùa biển ở hòn Bảy Cạnh Côn Đảo

Vinh, Phước, ăn cơm xong chưa? cầm bộ đàm đi kiểm tra bãi biển nha” – câu nói bằng giọng Quảng Bình đặc sệt của đồng chí Kiên (Trạm phó trạm kiểm lâm Bảy Cạnh) khi cả nhóm tình nguyện viên tụi vừa dùng xong bữa tối cùng nhau. Mình với Phước là “lớp trưởng, lớp phó” của nhóm này nên “được ưu tiên” điều động đi kiểm tra bãi biển sớm hơn mọi người. Và coi như là buổi làm việc của tụi mình với vị trí là một Tình nguyện viên bảo tồn rùa biển được bắt đầu từ đó.

Mà cũng tùy theo lịch thủy triều nữa, hôm nào thủy triều lên trễ hơn thì tụi mình bắt đầu trễ hơn, có thể từ 11h đêm hay 1h sáng. Chứ ngày nào giờ “đỡ đẻ” cho Rùa mẹ cũng kết thúc lúc khoảng 6h sáng hôm sau hết trơn.

Nhận lệnh. Mình mặc chiếc áo khoác của IUCN lên người, đeo găng tay y tế vào, xách sọt nhựa để đựng trứng rùa và những cây cắm để đánh dấu vị trí ổ rùa, mình với Phước chia nhau ra mỗi đứa đi một hướng để kiểm tra, vì bãi Cát lớn ở đây rộng lắm. Nếu có nhiều rùa lên đẻ sớm, tụi mình sẽ liên lạc với nhau qua bộ đàm để hỗ trợ và điều động các bạn Tình nguyện viên khác xuống bãi hỗ trợ. Và khi có khách đăng ký xem rùa đẻ, tụi mình còn báo lại với các anh Kiểm lâm về tình trạng của Rùa mẹ như là đang hạ thấp, đang móc ổ chuẩn bị đẻ,… để đưa khách xuống bãi xem rùa đẻ.

Bước trên bãi cát trong ánh sáng mờ mờ của ánh trăng, mình mò theo theo dấu vết của Rùa mẹ để lại trên bãi cát một cách nhẹ nhàng để tìm coi Rùa Mẹ đang ở đâu, rồi sau đó mới từ từ xem thử rùa mẹ đang ở giai đoạn nào của quá trình đẻ trứng.

Đầu tiên, rùa mẹ sẽ bò lên bờ để tìm một chốn bình yên cho chính mình, sau đó rùa mẹ dùng các chi của mình để quạt cát xung quanh để hạ thấp xuống đến khi mai rùa ngang với mặt cát, ổn rồi, rùa mẹ mới bắt đầu dùng hai chi sau để đào một cái hố tròn và sâu xuống khoảng 50-70cm. Khi đã ổn rồi, rùa mẹ bắt đầu khép ai chi sau lại và dùng sức để rặn đẻ những quả trứng tròn như trái bóng bàn.

Mỗi lần đẻ, rùa mẹ có thể đẻ từ 70 – 200 trứng, và mỗi mùa sinh sản, rùa mẹ có thể đẻ từ khoảng 4 ổ trứng, mỗi lần đẻ cách nhau 2 tuần. Còn nếu rùa mẹ đào đúng nơi có vật cản ở dưới, như là rễ cây, đá, hay hố bị sụp trong quá trình đào, rùa mẹ sẽ bỏ ổ này để làm lại từ đầu quy trình. Mỗi giai đoạn, rùa mẹ mất cỡ 25-30 phút để hoàn thành. Nên gặp mấy mẹ rùa khó tính là tụi mình canh rùa đẻ mệt hơn xíu.

Việc tiếp theo, tụi mình đào ổ trứng rùa mẹ vừa đẻ ấy lên để di dời về chôn ở hồ ấp được rào chắn kỹ để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho ổ trứng rùa. Nếu không làm việc này, ổ trứng rùa mẹ vừa đẻ ấy có thể gặp nhiều rủi ro như là bị các loài vật khác bới lên ăn trứng, hay bị người xấu moi lên để lấy trứng rùa biển đem bán, hay có khi bị rùa mẹ khác đào trúng ổ trứng này trong quá trình đi đẻ của mẻ, hoặc có thể bị nước biển dâng lên khiến cho ổ trứng bị úng…

Sau khi chôn xong, tụi mình sẽ cắm cọc với các thông tin về số thứ tự của ổ trứng, ngày ổ trứng được di dời, số lượng trứng rùa của ổ đó để tiện cho việc kiểm đếm và theo dõi quá trình nở nữa.

Hồ ấp trứng rùa biển được phân chia thành 2 khu vực: một khu có mái che, một khu không có mái che để giúp cải thiện tỷ lệ rùa đực, rùa cái vì nhiệt độ xung quanh ổ trứng sẽ quyết định giới tính của rùa. Khu nào nóng hơn 29 độ C thì tỷ lệ rùa cái cao hơn và khu mát hơn sẽ có tỷ lệ rùa đực cao hơn.

Rồi công việc của tụi mình trong một đêm để cứu hộ Rùa biển là như vậy đó. Đêm nào bình yên thì cũng cỡ chục mẹ Rùa lên đẻ, đêm nào các mẹ ham dzui hơn thì có khi có tới hơn 40 rùa mẹ lên bờ đẻ. Tính tới thời điểm nhóm 3 của tụi mình, di chuyển tới 31 ổ trứng trong một đêm là kỷ lục của đợt tình nguyện năm nay rồi đó.

Trải nghiệm thả rùa con về với biển

Khi các rùa mẹ về với biển sau khi để lại một ổ trứng tròn vo, cũng là lúc tụi mình bắt đầu công việc thả rùa con về biển.

Sau khoảng 45-60 ngày nằm dưới hố ấp, các bé rùa bò dần lên mặt cát trong đêm tối & lúc nhúc trong chiếc sọt đã được úp sẵn từ lâu để tránh các bé rùa khi ngoi lên rồi bò lung tung hay bị con gì khác tấn công. Các bé sẽ lần lượt được bỏ vào sọt để chuẩn bị về với thế giới của chúng. Trễ nhất là 8h5 phút sáng, khi mặt trời đã lên cao & con nắng đã lớn.

Nhìn cảnh những bé rùa con háo hức bò ra biển để về thế giới của chúng mà lòng thấy vui khôn xiết, mọi mệt mỏi đi đỡ đẻ cho rùa đêm qua như tan biến. Rùa con nhỏ xíu, xinh ơi là xinh luôn.

Mà thương nó lắm, vừa ra tới mép biển đã ăn vài cứ vỗ của sóng rồi. Bơi được ra xa xíu thì mấy con đại bàng biển đang vờn quanh trên bầu trời chực chờ lao xuống và quắp nó đi. Hay có vài con cá nhám to oành đang lởn vởn chờ rùa con bơi ra xa bờ để… ăn sáng. Nhưng biết làm sao được, cuộc sống mà, thiên nhiên mà, phải tự sinh tồn thôi!

Lưu ý khi thả rùa con về biển

Hòn Bảy Cạnh là nơi có lượng khách đến trải nghiệm hoạt động thả rùa con về biển đông nhất Côn Đảo, nên tụi mình hỗ trợ các anh kiểm lâm điều phối các đoàn khách, hướng dẫn du khách cách thả rùa con và không quên kèm theo những thông tin về rùa con như là:

⁃ Tuyệt đối không được đụng tay, cầm nắm rùa con nha. Việc này rất không tốt cho rùa con vì dễ ảnh hưởng đến vùng bụng của rùa con, nơi chứa đựng chất dinh dưỡng cho những ngày đầu ra biển khơi của rùa con. Chưa kể, việc chạm tay vào rùa con còn có thể vô tình khiến cho  vi khuẩn trên tay người xâm nhập và gây hại cho rùa con nữa.

⁃ Rùa con sẽ dựa vào tiếng sóng để từ từ bò ra biển, đây cũng là đoạn đường mà rùa con sẽ ghi nhớ địa điểm này để rồi khoảng 30 năm sau, khi con cái đã trưởng thành & tới mùa sinh sản, chúng sẽ quay lại chính nơi đã được sinh ra để thực hiện thiên chức làm mẹ của chúng nếu đủ may mắn sống sót sau khi vượt qua mọi thử thách, hiểm nguy trong giai đoạn tranh đấu để trưởng thành. Còn rùa đực thì không bao giờ lên bờ biển nha.

⁃ Chỉ có 1 trong số 1000 rùa con được thả ra đủ may mắn để sống sót đến tuổi trưởng thành mà thôi. Con số quá nhỏ bé hen! Nên hãy ráng bảo tồn loài này nghen.

Để có trải nghiệm thả rùa con về biển tốt nhất, các bạn nên đến Bảy Cạnh từ khoảng 6:30-7:30 sáng nha, lúc này rất ít khách du lịch nên bạn sẽ có nhiều thời gian để thả & chụp hình rùa con hơn.

Khám phá hải đăng Bảy Cạnh gần 140 tuổi

Ngọn hải đăng Bảy Cạnh được người Pháp xây dựng từ năm 1884 và bắt đầu hoạt đầu vào năm 1885. Hải đăng có độ cao hơn 200m so với mực nước biển và giữ một vị trí cực kỳ quan trọng do nằm sát với luồng hàng hải quốc tế với tầm hiệu lực chiếu sáng 35 hải lý vào ban ngày, 26,7 hải lý vào ban đêm trong bán kính hơn 70km. Hiện tại, hải đăng này đang được Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Đông Nam Bộ thuộc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam quản lý, vận hành và khai thác.

Từ trạm kiểm lâm Bảy Cạnh, có 2 cách để đến với hải đăng. Nếu bạn đủ kinh nghiệm đi trekking trong rừng, bạn có thể đi trekking từ gốc cây bàng cổ thụ ở cuối bãi Cát lớn, mon theo đường dây cáp quang để đến với hải đăng trong thời gian khoảng 4 tiếng.

Hoặc cách khác, bạn có thể thuê cano để di chuyển đến con đường đá mòn để trekking lên tới hải đăng. Với lựa chọn này, bạn chỉ mất khoảng 10 phút đi cano và 40 phút đi trekking mà thôi. Không những thế, bạn còn được khám phá hệ sinh thái đa dạng với nhiều loại cây rừng nhiệt đới ở hai ven đường nữa.

Khi đến nơi, mình gặp 4 anh nhân viên ở đây với nhiệm vụ giám sát các chuyến tàu biển di chuyển trong khu vực quản lý của trạm và đảm bảo hoạt động của đèn hải đăng vào mỗi buổi tối nữa. Sau khi giao lưu một chút, mình đi theo hướng dẫn để lên trên ngọn hải đăng.

Cúi người xuống để mon theo cầu thang xoắn ốc hẹp, thấp, được làm bằng thép, mình bước qua cánh cửa nhỏ để đến gần hơn với ngọn hải đăng. Một bầu trời xanh rì với vài đám mây như đang phản chiếu trên mặt biển yên ả vậy, nhìn xa hun hút, rất là đã mắt luôn. Chẳng cần làm gì nhiều, chỉ cần đứng yên đây để thả tâm hồn mình bềnh bồng trong cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp trong làn gió mát rười rượi thôi là đủ thấy xứng đáng với những công sức bỏ ra để mình đến được đây rồi.

Mười ngày ở hòn Bảy Cạnh trôi qua thật nhanh, mình chia tay nơi này với bao quyến luyến vì chuẩn bị phải rời xa “thiên đường biển” để trở lại cuộc sống hàng ngày như bình thường ở chốn đô thành. Những kỷ niệm, những trải nghiệm độc đáo ở hòn Bảy Cạnh sẽ luôn là động lực để mình muốn quay trở lại nơi này hơn, có thể là với bạn bè hoặc với gia đình.

15 thành viên của Nhóm Tình nguyện viên Bảo tồn rùa biển ở Côn Đảo đợt 03.2023
Related Posts