DU LỊCH LADAKH – Zanskar, một vùng đất xa xôi ở phía Bắc Ấn Độ, được bao quanh bởi các dãy núi cao trong dãy Himalayas hùng vĩ và là nơi có thời tiết khắc nghiệt khi 2/3 thời gian trong năm đều ngập trong tuyết. Những điều này khiến cho Zanskar trở thành một nơi chưa bị ảnh hưởng của sự hiện đại, của du lịch,… Điều đó càng khiến mình muốn đặt chân đến nơi từng là lãnh thổ của vương quốc Cổ Cách (Guge) hơn bao giờ hết.

BÀI VIẾT KHÁC VỀ DU LỊCH ẤN ĐỘ

4 Bước Đơn Giản Để Xin Visa Du Lịch Ấn Độ Tự Túc

DU LỊCH ẤN ĐỘ TỰ TÚC – KHÁM PHÁ PHÁO ĐÀI ĐỎ RED FORT

ĐIỀU BẠN NÊN BIẾT TRƯỚC KHI ĐẾN ĐỀN TAJ MAHAL

Julley! – câu chào phổ biến ở khu vực Ladakh khiến ai cũng sẽ nhoẻn miệng cười và Julley lại mỗi khi bạn gặp bất kỳ ai, kể cả du khách. Julley, Zanskar! – cuối cùng mình cũng đã đặt chân đến Vùng đất của các Lạt Ma, vùng đất mới nằm trong to-travel-list của mình cũng đã khá lâu rồi.

Zanskar - Viên ngọc thô của du lịch Ladakh

Du lịch Ladakh: Đường đến Zanskar

Từ TP Hồ Chí Minh, mình lên chuyến bay đêm của hãng hàng không Vietjet để đến với sân bay Delhi (Ấn Độ). Sau khi làm các thủ tục nhập cảnh, mình di chuyển qua Cảng hàng không nội địa để lên một chuyến bay khác từ Delhi đến Leh (mã sân bay: IXL), đây cũng là sân bay gần nhất với Zanskar. Các bạn có thể lên Traveloka để tìm kiếm các chuyến bay cho phù hợp với lịch trình nghen, chi phí vừa rồi cho 4 chặng bay (2 quốc tế, 2 nội địa) của mình khoảng 15tr áh. 😀

Zanskar nằm ở phía Đông của Ladakh và bị dãy núi Zanskar chia cách với Leh – thủ phủ của Ladakh – nên chỉ có cách đi đường bộ đến Zanskar thôi, àh, nếu vào mùa Đông, bạn có thể đi trekking trên mặt sông Zanskar khi bị đóng băng nữa nha.

Từ Leh, bạn có thể đi đường bộ qua đèo Pensi La để đến với Zanskar trong điều kiện đường không bị chặn sau những đợt tuyết rơi dày. Lựa chọn khác là đi qua đèo Sir Sir La ở độ cao 4900m và đèo Singe La ở độ cao 5000m, và băng qua những con đường nhỏ, đầy đá, ven con sông Zanskar để đến với thị trấn Padum của Zanskar. Hành trình này có thể mất gần 9 tiếng đồng hồ trên xe.

Với điều kiện giao thông khó khăn như vậy, Zanskar vẫn chưa được chú ý nhiều và bị “du lịch hóa” như nhiều nơi khác ở Ladakh. Vậy lại có cái hay riêng của Zanskar chứ ha!

Thị Trấn Padum của Zanskar

Thủ phủ của Zanskar là Padum, một thị trấn nhỏ xinh với con đường chính có không tới mười cửa hàng để bán đồ cho dân địa phương, như là trái cây, thực phẩm, chăn bông,…

Khác hẳn với Leh, một nơi luôn nhộn nhịp khách du lịch thập phương, Padum lại vắng vẻ hơn hẳn. Ra đường chỉ thấy người dân địa phương, hoặc dân lao động nhập cư chứ chẳng mấy ai là khách du lịch cả. Chạy trên đường, mình cũng không thấy có nhiều nhà. Cả một không gian rộng lớn có khi chỉ có 2 – 3 căn nhà thôi, nhờ vậy mà những quả núi tuyết trập trùng phía xa xa được hiện lên rõ hơn. Tự nhiên mình cảm thấy được sự kết nối với không gian ở Padum hơn hẳn. Chắc là vì mình sống ở Sài Gòn lâu quá rồi nên rất là thích những không gian yên tĩnh & vắng vẻ như thế này.

Cách trung tâm thị trấn Padum khoảng 10km có tu viện Karsha, đây là tu viện của các Lạt Ma theo dòng Hoàng Mão (Mũ vàng) mà Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 hiện nay trì giữ. Và đây cũng là một trong những tu viện lớn nhất và có lịch sử lâu đời nhất vùng, từ thế kỷ thứ 11. Hiện tại, tu viện này được em trai của Đức Đạt Lai Lạt Ma quản lý.

Tu viện Kharsa ở Zanskar

Trong khi phần lớn các tu viện thường nằm xa khu dân cư, thì những căn nhà màu trắng với ô cửa màu đỏ đậm của tu viện lại hoà mình với những căn nhà của người dân ở dọc triền đồi. Bạn có thể mon men theo lối cầu thang nhỏ từ dưới chân đồi, đi qua những căn nhà dân, hoặc có thể đi theo đường vòng vèo của xe cơ giới để lên tới Tu viện.

Ngoài những phòng thờ tự trang trọng với những bức tượng cổ ra, tu viện còn có xá lợi của nhà sư Lobon Dhode Rinchen được lưu giữ qua nhiều thế kỷ, thường được mở ra để mọi người có thể đến, cầu khẩn vào mỗi dịp lễ hội Gustor hàng năm với điệu nhảy cùng mặt nạ diễn ra vào tháng thứ 7 theo lịch Tây Tạng; và nhiều bức tranh được vẽ bằng tay tuyệt đẹp về thời đại Rinchen Zangpo.

Cách tu viện Karsha không bao xa là tu viện nữ Karsha có từ hơn 300 năm trước. Đây là nơi các em bé sống ở trong làng được các tu sĩ nữ dạy học và chăm sóc. Đến đây, mình được các em bé sống ở đây chào đón bằng những nụ cười bẻn lẻn và nói “Julley”, rồi là cụ già ngồi từ căn nhà trên cao cùng với một chú cún nhìn xuống và “Julley”, và vị tu sĩ nữ cũng “Julley”, mời vào ăn bánh, uống trà masala và dẫn đi tham quan nơi này. Thấy chưa, Julley là cách chào rất phổ biến ở đây và dễ kéo con người ta lại gần nhau hơn mà.

Rời nữ tu viện Karsha trong tiếng khóc òa của một bé nhỏ ở đây, tụi mình tiếp tục đến tu viện Stongday, nằm cách trung tâm thị trấn Padum khoảng 13km. Stongday, Stongde, Tonday hay Thonde đều là những tên gọi khác của tu viện này. Tu viện Stongday được thành lập cách đây gần 10 thế kỷ và Đại sư Tông Khách Ba (Je Tsongkhapa) từng tu tập tại đây.

Từ trên Tu viện, bạn tha hồ tận hưởng vẻ đẹp mà tạo hoá đã mang đến thung lũng phía bên dưới. Hình ảnh núi tuyết trắng trong dãy Himalayas hoà quyện với màu nâu nâu của vùng đất khô cằn và được nhấn thêm bằng những con đường nhựa uốn lượn, khiến cho không gian trước mắt mình trở nên hùng vĩ hơn bao giờ hết.

Homestay Purney ở Zanskar

Rời Padum, mình đến làng Purney. Mặc dù chỉ cách Padum khoảng 50km nhưng thời gian di chuyển khoảng 3 tiếng lận, vì đường đi rất xấu, phần lớn là đoạn đường với một bên là vực, là suối và một bên là núi đá, rồi có những đoạn đá lở khiến cho hành trình kéo dài hơn một chút nữa.

Purney Village ở Zanskar

Làng Purney chỉ có khoảng 5 hộ dân thôi, ngoài việc chăn nuôi bò Yak – một giống bò sống nhiều ở dọc dãy Himalaya – họ còn kinh doanh homestay để khách du lịch phương xa có thể ghé và sống cùng họ. Chỉ có điều, mỗi năm họ chỉ đón khách được từ tháng 6 đến tháng 9 mà thôi, thời gian còn lại, ngôi làng này sẽ ngập trong tuyết nên hầu như không có khách du lịch nào cả.

Aba, cách gọi người Bố trong tiếng Ladakhi, Stanzin Nurbu chào đón đoàn mình tại ngôi nhà nhỏ có vài phòng còn nồng mùi sơn mới để kịp đón đợt khách đầu tiên của mùa du lịch năm nay. Thời tiết ngoài trời đang -7 độ C, rất lạnh, nên Aba nhanh chóng dẫn mình đi theo lối nhỏ khá tối để đến căn bếp chính của nhà. Khi đã ấm hơn hẳn, cả đoàn bắt đầu làm quen với cả gia đình của Aba.

Trong căn nhà nhỏ ấy, mình gặp bà nội 84 tuổi nhưng tay chân làm không ngơi tay, chẳng chịu ngồi yên nghỉ ngơi gì dù có cô cháu gái Putith đang cần mẫn quét nhà, lau từng chiếc bàn, góc bếp,… giờ mình mới để ý, dù căn bếp nhỏ thôi nhưng lại bày trí rất gọn gàng và sạch sẽ, kể cả chiếc xoong, chiếc ấm nước đều bóng loáng dù được nấu trên bếp củi và phân bò Yak phơi khô. Trong khi đó, Aba cặm cụi lau từng cái chân đèn bên bếp lửa. Ở đây, mỗi ngày họ sẽ đốt một ngọn đèn được làm bằng bơ để cầu an & sức khoẻ cho mọi người, khi các chân đèn gần hết sau khoảng một tháng, Aba sẽ lấy ra vệ sinh sạch sẽ để chuẩn bị cho những ngày tới nữa.

Sau khi lau dọn xong, cô con gái Putith bắt nồi nước để nấu trà masala – một loại trà phổ biến ở đây – để mời khách. Trời lạnh ơi là lạnh mà được thưởng thức những ngụm trà nóng hổi, thơm ngon như này thì còn gì bằng nữa chứ. Chưa hết, biết mình thích cà phê, cô ấy còn lấy cà phê ra, thêm ít đường, ít nước vào và bắt đầu đánh đều lên cho ra một hỗn hợp khá đặc, nhìn như vừa mới thắng đường caramel vậy. Và múc những muỗng cà phê đó vào ly, pha với trà masala mời mình thưởng thức.

Wow, kiểu uống cà phê này mình chưa từng trải nghiệm qua bao giờ nhưng hương vị thơm thơm béo béo của masala kết hợp với vị thơm của cà phê nữa, khiến cho là cafe trà masala trở nên ngon hơn hẳn – dù với mình như vậy là khá ngọt. Ngược lại, mình mời cô ấy và aba thưởng thức những bình cà phê đặc sản đến từ Điện Biên, Tanzania và Kenya mà mình mang theo nữa. Thú vui của người thích uống cà phê là đây, được giao lưu văn hoá cà phê để hiểu hơn về phong cách thưởng thức cà phê của nhau.

Chiều tối đến, làng Purney có tuyết rơi với độ dày gần bằng một ngón tay khiến mình lo lắng vì sợ sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch của ngày hôm sau. Nếu tuyết cứ rơi như vậy, xe sẽ không đi được và cũng không đi bộ được, có khả năng sẽ phải ở lại đây đến khi tuyết tan.

Purney village, Zanskar

Trước khi đến đây, tụi mình biết trước ở đây khá khó khăn trong việc ăn uống nên cả đoàn đã chuẩn bị sẵn một số nguyên liệu để vào bếp nấu ăn. Để giải đáp cho những ánh mắt tò mò của gia đình vào cách nấu ăn của người Việt, tụi mình mời cả gia đình cùng dùng bữa tối với nhau, tất nhiên, cũng giải thích rõ cho họ biết món nào là đồ chay, món nào là thịt gà, là cá, là tôm,… để họ biết mà ăn cho đúng với thói quen của họ. Tiếng cười rộn vang cả căn bếp trong suốt bữa ăn xoá tan bớt mọi lo lắng về cơn bão tuyết vừa rồi. Vạn sự tuỳ duyên thôi!

Sáng hôm sau, ánh nắng xen qua khoảng hở của tấm rèm cửa đánh thức mình dậy. Kéo rèm ra, mình thấy tuyết đã ngừng rơi, tuyết cũng tan đi nhiều rồi chỉ còn lại lớp băng mỏng, khả năng cao là vẫn thực hiện chuyến đi được.

Tu viện Phuktal ở Zanskar

Điểm nhấn chính trong hành trình khám phá Zanskar là tu viện Phugtal (hay còn gọi là Phuktal), đã tồn tại hơn 2500 năm. Phug có nghĩa là “hang động”, tal có nghĩa là “sự nhàn rỗi”, để nói rằng Phugtal là một hang động để giúp các Lạt ma hay bất kì ai muốn tìm kiếm sự nhàn rỗi, bình yên vì Tu viện Phuktal này biệt lập với thế giới bên ngoài, không internet, không sóng điện thoại, không có điện lưới mà chỉ có một ít điện năng lượng mặt trời mà thôi.

Tu viện Phuktal, Phuktal Monastery

Với lối xây dựng độc đáo, cả tu viện được xây dựng từ bùn và gỗ trên vách núi cheo leo hướng ra sông Lugnak, kết hợp với lịch sử của tu viện đã khiến cho tu viện này trở thành một trong những biểu tượng của Zanskar. Nếu đứng từ phía bên kia con sông nhìn qua, tu viện Phuktal trông như một tổ ong khổng lồ giữa thiên nhiên vậy. Họ xây ở địa hình như vậy một phần để các Lạt Ma có thể chuyên tâm tu tập, một phần để tránh việc các tên trộm đến và lấy đi những thứ quý giá của tu viện.

Để đến đây, chỉ có cách đi bộ thôi. Quãng đường từ Purney đến tu viện Phuktal khoảng 4km, dọc theo con sông Tsarap và thời gian đi trekking khoảng 2 tiếng đồng hồ. Con đường đưa mình hết cảnh đẹp này đến cảnh đẹp khác, từ cảnh núi tuyết đến cảnh con sông Tsarap xanh rì đẹp mắt, thế nào cũng sẽ tốn thêm chút thời gian để chụp hình nữa đó.

Khi tới cây cầu treo bắt qua con sông là mình đã thấy chiếc cổng vào Tu viện rồi. Nhìn những tấm ván gỗ còn khá mới trên cầu treo, mình nghĩ cầu này mới hoàn thành gần đây thôi, dòm qua bên phải thì mình thấy cây cầu treo cũ bị hư gần như hoàn toàn sau trận lũ gần đây.

Từ đây, mon theo lối mòn thêm khoảng 15 phút nữa thì mình cũng đặt chân đến tu viện Phuktal. Ngay phía đầu cổng là căn nhà nghỉ nhỏ dành cho khách du lịch, đi sâu vào trong một xíu nữa là căn nhà nhỏ 2 tầng đơn sơ, nơi là những lớp học cho các tiểu cư sĩ và cả trẻ em của ngôi làng địa phương ngay tu viện. Từ xa mình đã nghe tiếng các tiểu cư sĩ nói Julley với mình rồi.

Đi thêm vài bước nữa, mình tới khu vực chính của tu viện. Mon theo lối cầu thang nhỏ và thấp, mình cũng lên đến được ngôi mộ tháp (stupa) của tu viện, nơi đang cất giữ thi thể của người đầu tiên xây dựng nên Tu viện này. Điều mình thấy lạ là, dù tu viện được dựng ở trên núi đá, xung quanh không có cây xanh gì nhưng mà ngay vị trí đỉnh của ngôi mộ tháp lại có một cây xanh khá cao đứng một mình giữa không gian khô cằn như vậy.

Kế bên đó là nơi thờ tự chính của Tu viện, nơi có những bức vẽ tường Thangka tồn tại hàng ngàn năm và nhiều bức tượng Phật khác nhau nữa. nói chuyện với một vị Lạt ma ở đây, mình được biết nơi đây từng là nơi những đệ tử tận tuỵ nhất của Đức Phật như là các vị La Hán và Đạo sư Liên Hoa Sinh đã sống và tu tập tại đây hơn ngàn năm trước.

Mình nghe tiếng âm thanh vang vọng cả khu vực này phát ra từ căn phòng nhỏ bên trên, mình mon theo lối cầu thang để xem thử âm thanh trầm ấm ấy từ đâu mà ra. Có lẽ vị Lạt Ma này biết mình tò mò nên khi vừa thấy mình lên, Lạt Ma đã lấy ra dụng cụ tạo âm thanh đó.

Đó là một vỏ sò khá bự, Lạt Ma trẻ tuổi ấy đưa lên miệng và dùng hết cột hơi để thổi cho mình nghe. Không ngờ chỉ là với một vỏ sò mà tạo ra âm thanh thú vị đến thế, ban đầu mình cứ ngỡ đó là từ một chiếc kèn hoành tráng lắm.

Lúc này là 12h trưa, âm thanh ấy như báo hiệu đã tới giờ cơm trưa. Các vị Lạt Ma và tiểu cư sĩ từ tốn tập trung tại khu vực sân ở giữa tu viện, ngồi một cách ngay ngắn để các vị Lạt Ma khác đem từ nhà bếp với những thau cơm, đồ ăn và trái cây đến và bới cho từng người. Họ thọ thực trong yên lặng cho đến khi ăn hết phần cơm và đọc những lời kinh trước khi đứng dậy.

Khi mình định rời đi thì được Lạt Ma mời ở lại ăn cơm cùng họ luôn, mình được xếp ở một khoảng không gian còn trống lại và quy trình phát cơm lại tiếp tục diễn ra như khi nãy. Phần cơm có vẻ khô khan và món ăn kèm chỉ là cà ri khoai tây đơn giản mà thôi, ấy vậy mà họ vẫn ăn một cách ngon lành.

Vừa nhai từng muỗng cơm, mình vừa nghĩ họ ăn uống kham khổ như vậy là vì tu viện Phuktal này ở quá cách biệt với thế giới bên ngoài nên việc vận chuyển lương thực cũng trở nên khó khăn hơn. Chưa kể thời tiết ở vùng này quá khắc nghiệt, ngoài 4-5 tháng của mùa Hạ – Thu, còn lại gần như vùng này ngập trong tuyết. Và rồi mình lại nghĩ, nhìn những vị Lạt Ma ở đây vẫn luôn vui vẻ, hạnh phúc thì phải chăng họ đang sống ở thiên đường, nơi chẳng có gì khiến họ phải nghĩ ngợi gì nhiều – chẳng bù cho mình, lúc nào cũng đầy mối lo toan khác.

Chia tay những vị Lạt Ma ở tu viện Phuktal, mình lại trekking ngược về Purney và lên xe rời Zanskar để tiếp tục hành trình khám phá Ladakh. Có trải nghiệm qua nhiều nơi khác ở Ladakh, mình mới nhận ra rằng, Zanskar xứng đáng là một “viên ngọc thô” của Ladakh. Chưa biết nơi này sẽ “thô” đến khi nào vì sắp tới sẽ có một sân bay được xây dựng tại thung lũng Zanskar, nên nếu có duyên, bạn hãy ghé Zanskar sớm nha.

Related Posts