Pù Luông thì sao? Tự nhiên cái tên ấy cứ nhảy ping-pong trong đầu mình mỗi khi nghĩ đến việc xa Sài Gòn ít hôm. Không ồn ào, không đông khách du lịch mà lại cũng chẳng xa Hà Nội là mấy. Nghĩ sao làm vậy, một chuyến Pù Luông cuối tuần để giải khuây liền.

Mình vốn thích thiên nhiên, thích không khí trong lành, thích mùi lúa, mùi cỏ, mùi rừng… nhưng cuộc sống vốn không như là mơ, mình lại sống và làm việc ở một đô thị kinh tế lớn nhất cả nước – Sài Gòn. Mỗi ngày ra đường đi làm đều phải chịu tiếng còi xe inh tai, chịu cái không khí nóng nực và đầy bụi. Nên thèm lắm những ngày được hòa mình vào thiên nhiên. 😛

Đến Pù Luông như thế nào?

Mình xuất phát từ Sài Gòn nên việc đầu tiên cần làm là đón một chuyến bay đến sân bay Nội Bài một đêm trước ngày khởi hành để sáng sớm hôm sau kịp đón chuyến xe khách chuyên chạy tuyến Hà Nội đi Pù Luông lúc 7h sáng. Chiếc xe 24 chỗ có lẽ đã đậu sẵn ở đây từ lâu rồi, lớp sương sớm vẫn còn phủ đầy trên vỏ ngoài của xe, chỉ cần lấy tay vẽ vẽ vài đường là có thể ra hình thù đám mây trên mặt kính xe rồi, khá xinh xắn. Thường thì, việc đặt xe này do bạn chủ nơi mình book ở liên hệ với nhà xe tuyến Hà Nội – Pù Luông để sắp xếp lịch đưa & đón, các bạn có thể chọn chỗ ở rồi nhờ họ đặt cho tiện nghen. Một số chỗ ở Pù Luông được nhiều người thích:

  • Pù Luông Retreat: nơi được ví như là Tiên cảnh nghỉ dưỡng giữa núi rừng Thanh Hóa với view nhìn xuống những ruộng lúa bậc thang ở bản Đôn từ trên cao và chiếc hồ bơi vô cực tuyệt đẹp. Vì chỗ này thuộc hàng hot nhất Pù Luông nên thường hết phòng sớm, nên tranh thủ nghe.
  • Pù Luông Glamping: mình ở chỗ này. Nó nằm ở gần cuối Bản Đôn nhưng được cái là những căn phòng có thiết kế khá thú vị khi chỉ cần kéo rèm lên là đã thấy những đám lúa vàng ngay trước mắt và mùi lúa thơm luôn bủa vây. Rất yên tĩnh.
  • Pù Luông Natura: chỗ này kế bên Gampling luôn nhưng sang hơn, phòng xịn & có hồ bơi đồ.

hoặc các bạn có thể xem thêm những homestay, resort,… ở Pù Luông Ở ĐÂY để chọn chỗ ở phù hợp nghen. ^^

Ai đi Pù Luông, chuẩn bị lên xe!” – câu nói được lặp đi lặp lại dăm ba lần kèm theo tiếng lục đục kéo vali của các vị khách đứng gần đó cũng như tiếng chìa khóa xe va vào nhau khi chú tài xế mở cửa xe để mọi người lên xe. Mình chẳng mang theo nhiều đồ đạc nên tót một phát là đã yên vị tại chỗ ngồi với chiếc ba-lô đặt ở phía dưới chân. Đeo tai nghe vào, mở những bản nhạc Country yêu thích và trùm chiếc nón trên áo hoodie lên đầu, dựa vào chiếc cửa kính để ngủ hồi sức sau chuyến bay đêm mà còn dậy sớm nữa. Có sức mà khám phá Pù Luông chứ.

Từ Hà Nội, chiếc xe đi Theo đường Xuyên á AH13 ngang qua thành phố Hòa Bình rồi đến Pù Luông với quãng đường khoảng 180 cây số và thời gian di chuyển gần 4 tiếng đồng hồ vì có khá nhiều đoạn đường đèo. Khi thấy ngày càng nhiều những mảng xanh của rừng cây, sự vắng vẻ của con đường, những ruộng lúa bậc thang xa xa kia thì mình nghĩ “Đây hẳn là Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông” rồi, mọi thứ nhìn thật là mát mắt.

Khu bảo tồn thiên nhiên này thuộc địa phận của huyện Bá Thước và Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa – với sự ưu đãi của Mẹ thiên nhiên mà những vị khách du lịch thích gọi Pù Luông là “nàng công chúa của đại ngàn” để ví von cho thiên nhiên xinh đẹp, có rừng cây, có đồi núi, có sông, có suối,… trải dọc quanh nơi đây. Còn với người đồng bào dân tộc Thái, cái tên Pù Luông có nghĩa là “ngọn núi cao nhất vùng” nên dễ đón những đám mây sớm và cả những đợt mưa thật lớn, lớn đến cả lũ lụt cả khu nữa.

Đến Pù Luông đi đâu & làm gì?

Nằm lọt thỏm ở dưới thung lũng của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông là Bản Đôn, nơi thu hút nhiều khách du lịch khắp nơi đến thăm quan và nghỉ dưỡng nhất vì nơi đây có nhiều điều kiện tự nhiên và truyền thống văn hoá để phát triển du lịch cộng đồng. Dọc con đường từ trên trục đường lớn để xuống Bản Đôn là những homestay, resort với thiết kế đẹp mắt nối tiếp và cách nhau bằng những cánh đồng ruộng bậc thang tuyệt đẹp của người Thái, đây cũng là điều thu hút mình để đến với Pù Luông khi có thể dễ dàng hoà mình vào thiên nhiên nơi đây.

Nơi mình ở là một căn phòng mộc mạc ở cuối Bản Đôn, trong phòng chẳng có gì ngoài chiếc giường nệm trên những thanh tre nứa. Nhưng mình lại rất thích vì chỉ cần kéo tấm rèm phòng lên là cả một cánh đồng lúa bậc thang hiện ra trước mắt, xa xa là dãy núi trập trùng. Giữa cánh đồng ấy, mình thấy có một vài người dân tộc Thái đang “bán lưng cho trời” để gặt những đám lúa đang chín mùi cuối vụ.

Chẳng hiểu sao mà mình có thể ngồi yên trên chiếc ghế tre và ngắm nhìn khung cảnh ấy hoài mà không chán. Và, cũng có nhiều thời điểm trong ngày, những hình ảnh ấy được bao phủ bởi một màu xám xịt khi sương giăng xuống nơi đây. Mọi thứ thật là bình yên, trong lành. Có vẻ ấn tượng ban đầu với Pù Luông khá thú vị nhỉ? 😛

Mình chỉ có 2 ngày để khám phá Pù Luông nên mình muốn đi vòng quanh khu này càng nhiều càng tốt và cách dễ nhất đó là thuê chiếc xe máy từ chị chủ nhà nơi mình thuê ở. Đổ đầy xăng là có thể rong ruổi các con đường. Đường ở Bản nhỏ, ít xe qua lại nên đi lại rất là thoải mái. Thời tiết lại rất là dễ chịu nhờ sự che chở của những dãy núi xung quanh, đôi lúc khiến mình có chút nổi da gà và rùng mình vì lạnh, nhưng lại làm mình phấn khích hơn nhiều – dễ gì ở Sài Gòn mình có được cảm giác này cơ chứ.

Phố Đoàn – cái tên chợ có từ thời Pháp – là điểm đầu tiên mình muốn trải nghiệm vì theo chị chủ nhà nói rằng, chợ này chỉ mở vào ngày thứ Năm và Chủ Nhật hàng tuần thôi. Từ Bản Đôn, mình chỉ mất khoảng 15 phút để chạy xe đến chợ phiên ở xã Lũng Niêm này.

Vào ngày có phiên chợ, đồng bào các dân tộc Kinh, Mường và Thái của các xã quanh đây, kể cả những người ở vùng núi cao như Son – Bá – Mười cũng tụ tập lại để trao đổi, giao thương hàng hóa với nhau. Những mặt hàng có thể đơn giản chỉ là những bó rau sống nhà trồng, con gà con vịt nhà nuôi hay cả những đặc sản Theo mùa mà họ có thể thu hoạch được. Có khi là những con tằm đang nằm phơi mình ra như thế này – eww, nhìn phát nổi hết cả da gà…

Vẫn giữ bản chất thật thà, chất phát, họ không hét giá hay trả giá gì, giá rất hợp lý hoặc thậm chí, chỉ cần họ thấy “ưng cái bụng” với mặt hàng khác là sẵn sàng trao đổi ngang liền. Chợ cũng chẳng khác gì nhiều so với chợ mà mình đã từng đi, cái khác có lẽ là mở theo phiên và thường thu hút rất đông người dân đến để mua sắm. Với bản tính ham ăn vốn có, mình lướt qua những hàng bán đồ khá nhanh và dừng lại ở sạp hàng bán những món ăn đặc trưng vùng này khá lâu. Tuy chợ không lớn nhưng mình thấy có 4, 5 sạp hàng bán món bánh rán nên mình dự rằng đây chính là “đặc sản” ở nơi đây. Xà vào một sạp và mình gọi vài chiếc ăn thử sau khi được sự tư vấn nhiệt tình của những người đồng bào nơi đây khi thấy vị khách người Kinh lạ lạ như mình, họ chỉ mình cách ăn và nói thêm về món bánh rán này.

Bánh được làm từ những hạt gạo họ trồng được và xay ra, tráng lên lớp vải rồi cuốn như bánh cuốn sẵn đó, khi nào có ai gọi món thì họ mới rán lên. Nhờ vậy mà mùi thơm của gạo vẫn còn lại trong từng miếng cắn, chấm thêm nước mắm cay cay nữa thì ăn rất là hút hàng. Mình ăn đến cái thứ 5 là dừng để chừa bụng ăn thử những món khác nữa và số tiền mình trả là 5.000 đồng. Mình phải hỏi đi hỏi lại vài lần khi nghe con số này, thật sự là quá rẻ. Ngoài ra, ở chợ còn có thêm món bánh rán ngọt, bánh cuốn nhân miến và nấm mèo,… nữa. Ăn linh tinh để no thì cũng chẳng hơn 20.000 đồng cho một bữa sáng no nê và chắc bụng ở đây.

Rời chợ Phố Đoàn, mình tiếp tục hành trình đến thác nước bản Hiêu, chỉ cách chợ không tới 10km. Đường đến ngõ rẽ vào thác khá đẹp khi được trải nhựa đường và uốn lượn theo hình dạng của những quả đồi núi nơi này. “Cỏ cây chen lá, đá chen hoa” có vẻ cũng rất hợp để mô tả về đoạn đường này chứ chẳng riêng gì ở Đèo Ngang như Bà Huyện Thanh Quan từng nói đến.

Hai bên đường vẫn là những ruộng bậc thang, xa xa là những ngôi nhà sàn đặc trưng của miền núi Thanh Hóa, có lẽ ít có nơi nào ở Thanh Hóa còn gìn giữ nhiều ngôi nhà sàn truyền thống với thiết kế độc đáo như ở Pù Luông này. Nhiều người dân nơi đây còn làm gọn gàng ngôi nhà của họ để đón khách du lịch thập phương đến để ở và trải nghiệm cuộc sống của dân bản địa xứ này nữa.

Thông thường, mỗi nhà sàn đều có nhiều gian với nhiều mục đích khác nhau như để đón khách, để ngủ, để cất chứa tài sản, để ăn cơm,… và thường sẽ có 2 cầu thang để sử dụng, một ở phía trước nhà và một ở phía sau để tiện việc tắm rửa, bếp núc trong nhà. Điều thú vị khác, ngôi nhà sàn ở đây thường có 1 đến 2 của sổ (hay còn gọi là cửa voóng) nên mùa hè ở đây rất mát mẻ.

Dọc đường đi mình có thể thấy cuộc sống thường nhật của những người đồng bào nơi này, người thì cặm cụi làm đồng, người thì khuân vác những bao lúa, bao cỏ về nhà, bọn trẻ thì cứ tung tăng chạy nhảy vui chơi mà chẳng phải lo nghĩ gì. Khung cảnh thật bình yên nhưng vẫn đậm chất khắc khổ của họ. Như cách họ phải đeo một cái gùi đầy lúa phía sau lưng nhưng dây đai của gùi lại đặt ở phần trán đầu thay vì đeo lên vai như bình thường, họ chỉ có cúi mặt xuống đường để mà đi, lâu lâu ngước lên nhìn một tí rồi lại cúi xuống.

Cứ nhè nhẹ lên ga trên cung đường ấy thì mình cũng đã thấy chiếc bảng Khu du lịch Thác nước bản Hiêu để rẽ vào. Từ đây đi vào tới thác chắc cũng khoảng 2km đường đất, khá trơn vào những ngày nhiều sương hay mưa xong. Cũng ráng trổ tài lái xe qua đoạn đường ấy để đến xem cái thác nước mà nhiều người nói đến nó như thế nào. Với một đứa sinh ra và lớn lên ở vùng đất với những dãy thác đồ sộ như Dray Sap, Dray Nur thì Thác nước bản Hiêu có phần làm mình thất vọng nên mình cũng không mất nhiều thời gian để khám phá nơi này, thác nước khá nhỏ, nước chảy ít nhưng được cái là nước trong veo và mát lạnh. Đến đây rồi thì bạn nên thưởng thức món vịt Cổ Lũng nha, đặc sản ở đây đó.

Tiếp tục hành trình, mình đến với Guồng nước suối Chàm ở gần chợ làng Sát. Có lẽ khi tìm kiếm hình ảnh về Pù Luông, ngoài những cánh đồng lúa bậc thang ra thì những guồng nước cũng xuất hiện nhiều và trở thành “đặc điểm nhận dạng” ở nơi này luôn. Mình thấy guồng nước qua nhiều thước phim, phóng sự, hình ảnh rồi nhưng đây là lần đầu tiên thấy guồng nước ngoài đời và gần đến vậy.

Chiếc guồng nước nó to thực sự nhưng lại vận hành một cách trơn tru và nhẹ nhàng nhờ vào lực đẩy của dòng suối Chàm kế bên. Khi đến nơi mình chỉ thấy có mỗi một chiếc Guồng nước thôi, nó khác rất nhiều trên hình ảnh mình thấy trước đó, mình có hỏi người dân gần đây thì họ nói là những guồng nước khác đã bị cơn lũ vừa rồi kéo sập đổ rồi, chỉ còn một chiếc đó thôi. Mình khá ngạc nhiên và thấy sót một phần khi nghĩ rằng, cơn lũ ắt hẳn rất là lớn, nó làm sập đổ cả những guồng nước thì vườn, ruộng,… của người dân nơi đây thì sao.

Vẫn mang suy nghĩ đó, mình mở Google Maps lên thì có nơi được đánh dấu là “Awesome Viewpoint” – điểm ngắm cảnh tuyệt đẹp. Đi theo sự chỉ dẫn của Google Maps thì mình cũng tới được nơi này. Hai bên con đường đổ bê tông nhỏ là những ruộng lúa bậc thang vàng rực trải dài từ trên đường Quốc lộ 15C đến tận ngõ của thôn Báng, xen kẽ đó là những khối đá khổng lồ đã có mặt ở đó hàng trăm năm trước.

Điều thú vị là, lúc mình đến đây thì có hai bạn thanh niên người địa phương đang thổi những bản nhạc tình của người đồng bào dân tộc nơi đây bằng tiếng sáo trúc. Thật vô tình nhưng lại mang lại cho mình nhiều cảm xúc đến khó tả hơn, mình đã đứng yên gần chục phút chỉ để nghe tiếng sáo của bạn ấy chơi và tiếng vỗ tay của những vị khách người nước ngoài đang khám phá nơi đây. Được nghe tiếng sáo trong một không gian thiên nhiên rộng lớn như vậy thì còn gì tuyệt hơn nữa cơ chứ.

Nếu có nhiều thời gian hơn, mình đã có thể đi khám phá thêm bản Kho Mường – nơi đông khách du lịch thứ hai sau Bản Đôn. Nhưng, chỉ với nhu cầu tìm về một nơi vắng vẻ và hòa mình với thiên nhiên thì hai ngày qua đủ để mình tận hưởng và khám phá Pù Luông – Nàng công chúa của Đại Ngàn. Mỗi chuyến đi khám phá những vùng đất mới ở Việt Nam, mình càng thêm đồng ý với Đen Vâu khi rap “Đất nước mình còn đẹp, cần chi đâu nước ngoài…”. Việt Nam mình còn nhiều điểm đẹp lắm, đâu chỉ có Nha Trang, Hội An hay Sapa gì đâu. Cứ xách balo lên và đi thôi.

Tóm gọn về hành trình khám phá Pù Luông như này ^^

Hành trình:

Từ Hà Nội, bạn có thể đi xe khách chuyên tuyến Hà Nội – Pù Luông cho thuận tiện. Chiếc xe sẽ chở bạn đến Pù Luông trên con đường xuyên á AH13, băng qua thành phố Hòa Bình để đến với Pù Luông. Khoảng cách khoảng 180km và thời gian di chuyển khoảng 4 tiếng đồng hồ. Liên hệ nơi bạn book phòng để ở để nhờ họ liên hệ nhà xe tuyến Hà Nội – Pù Luông để sắp xếp xe đưa đón cho tiện nghen.

Phương tiện di chuyển

Tiện lợi nhất để khám phá Pù Luông là thuê xe máy của dân địa phương và mở Google Maps để chạy khám phá.

Ẩm thực:

Pù Luông có nhiều món rất ngon và hấp dẫn. Tuy nhiên, có những món bạn không nên bỏ qua khi đến đây:

  • Vịt Cổ Lũng nướng
  • Lợn cỏ nướng mắc kén
  • Gà đồi
  • Rau dớn rừng xào tỏi
  • Bánh rán

Trang phục phù hợp:

Bạn cứ mặc những gì bạn thấy thoải mái nhất. Tuy nhiên về đêm Pù Luông hơi lạnh một chút nên giữ ấm khi cần thiết nha.

Chi phí cho chuyến đi

Chi phí xe đưa đón giữa Hà Nội và Pù Luông khoảng 300.000/lượt, bữa ăn được tính 150.000/suất/người với khoảng 3 món, homestay và resort có giá từ khoảng 150.000 đến 2.500.000/đêm, thuê xe máy với giá khoảng 200.000/ngày.

Thời gian và thời tiết chuyến đi:

Pù Luông là vùng núi cao được bao quanh bởi những cánh rừng xanh rì nên khí hậu quanh năm khá là dễ chịu. Tầm tháng 9 – 10 là thời điểm lúa chín vàng đẹp nhất nên thời gian này là mùa cao điểm của Pù Luông.

Những điểm cần lưu ý khác:

  • Nên mang theo thuốc chống côn trùng vì thường những nơi ở gần với ruộng lúa, cỏ cây nên côn trùng khá nhiều, nhất là muỗi.
  • Nên mang theo giày sneaker hoặc dép crocs để tiện việc đi lại, lội suối, lội ruộng khi cần thiết.
  • Nên mang theo đồ ăn vặt hay nhu yếu phẩm cần thiết vì không dễ để tìm ra chỗ bán tạp hóa với những mặt hàng quen thuộc như ở thành phố.
Related Posts