Thác Tà Gụ nằm ở huyện Khánh Sơn – cách sân bay Cam Ranh khoảng 60km – là điểm đến rất hoang sơ & rất đẹp, phù hợp cho mọi đối tượng du khách gần xa nha. Khánh Sơn – cái tên địa danh mà mình chưa biết tới ở tỉnh Khánh Hoà dù chẳng thể nhớ nỗi mình đã đặt chân đến Khánh Hoà bao nhiêu lần rồi.

BÀI VIẾT KHÁC VỀ DU LỊCH KHÁNH HÒA:

CHILL Ở THE SUNSET GLAMPING BÌNH LẬP – CAM RANH

ĐẢO BÌNH HƯNG: DÀNH CẢ CUỐI TUẦN ĐỂ KHÁM PHÁ

Trong một lần cà phê, Riri Phương Trinh – một cô gái quê ở xã Sơn Lâm, huyện Khánh Sơn và có sở thích đi đây đi đó như mình – đã rủ rê mình về quê để cô ấy khoe vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ của nơi cô ấy được sinh ra. Với sự nhiệt tình như thế, mình gật đầu cái rụp liền. Gì chứ, được “thổ địa” dẫn đi chơi thì còn gì bằng, mà mình lại rất mê thiên nhiên hoang sơ như vậy nữa chứ.

Sau khi hạ cánh xuống sân bay Cam Ranh, thay vì lên xe buýt để vào thành phố, mình lại lên chiếc xe máy mà  đã chờ sẵn. Và hành trình khám phá vùng núi Khánh Sơn trong 2 ngày 1 đêm của mình bắt đầu.

Du lịch Khánh Sơn - thác Tà Gụ

Thác Tà Gụ ở đâu?

Nói đến du lịch Khánh Sơn mà bỏ qua thác Tà Gụ sẽ là một thiếu sót lớn. Ngọn thác này nằm ở xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn và cách sân bay Cam Ranh khoảng 60km. Để đến đây, bạn sẽ đi ngang qua trung tâm thành phố Cam Ranh, băng qua những cánh đồng lúa, ao sen nở rộ, rồi rẽ vào con đường DT656 (Tỉnh lộ 9) khá nhỏ với 2 làn xe chạy và băng qua con đường đèo Khánh Sơn ngoằn ngoèo với nhiều khúc cua liên tục, rồi băng qua cả con đường uốn lượn giữa rừng thông nữa. Đến khi bạn thấy bảng chỉ dẫn rẽ vào thác Tà Gụ thì cứ chạy theo thôi, dễ lắm.

Gửi chiếc xe vào bãi, bạn chỉ bước vài bước trên những bậc thang đã úa màu và có lớp rêu xanh phủ ở những góc không có dấu chân người là đã thấy phần hạ lư của con thác Tà Gụ rồi. Trước mặt mình lúc này là một không gian hoang sơ với màu xanh của núi rừng nguyên sinh được tô điểm thêm bằng những ánh nắng chiếu xuyên qua những lớp lá của cây cao tít, lại còn thêm khói bếp của một đội đang nấu nướng gần đó nữa, khiến cho không gian trở nên mờ mờ ảo ảo, như tiên cảnh mình thường thấy trong phim vậy.

Ý nghĩa tên thác Tà Gụ

Tiếp tục mon men theo lối mòn qua những bậc đá ẩm ướt, mình cũng đến với chân thác Tà Gụ. “Wow, đẹp quá!” – mình không nhớ đã phải thốt lên bao nhiêu lần câu này với Phương Trinh khi nhìn thấy một dòng chảy trắng xoá chảy thẳng xuống dưới. Thả cho trí tưởng tượng bay xa, mình thì nhìn như một dải lụa đang nhẹ bay giữa không gian của núi rừng, nhưng cũng có nhiều góc nhìn cho mình cảm giác như là hình dáng của một chiếc ngà trắng phau của một con Voi giữa núi rừng vậy – mình là dân Đăk Lăk mà, dễ liên tưởng tới Voi lắm.

Khi chia sẻ điều này, mình lại được nghe kể thêm về cái tên thác ở đây. Chuyện là, trước đây, khu vực này có nhiều con trăn và chúng thường bò lên đỉnh thác để tìm mồi vào mùa khô. Tới một ngày khi đi săn mồi, trăn đã vô tình nhìn thấy một chú Voi con lạc mẹ, thế là nó lao tới tấn công chú Voi. Trong quá trình giằng co, cả 2 con vật này đều rơi xuống vực sâu. Khi Voi mẹ quay lại tìm, thấy Voi con nằm chết bên vực. Vì quá đau lòng, Voi mẹ đã khóc suốt mấy ngày đêm rồi hóa đá, nước mắt đó đã hóa thành dòng thác nước trắng xóa.

Và từ dưới nhìn lên, dòng thác như ngà voi hướng thẳng lên trời xanh. Do đó, thác này còn được gọi là thác Ngà Voi Đá Đứng. Thác này nằm trên dòng chảy của suối Tà Gụ, khởi nguồn từ núi Hòn Bà phía nam dãy Trường Sơn, nên dần về sau người ta gói là thác Tà Gụ cho đến bây giờ.

Thác Tà Gụ có gì?

Tiếp tục khám phá thác Tà Gụ. Mình nhảy phóc qua mỏm đá cạnh thác để ngắm nghía thêm, hơi nước mát lạnh sảng khoái từ con thác hắt vào người để xua tan cái nóng của mùa hè, lúc này mình chỉ muốn nhảy ùm xuống hồ nước ấy thôi, nhưng mà khu vực ngay dưới chân thác nguy hiểm quá nên mình đi thêm một xíu nữa để tới một thác nhỏ khác nằm bên phải thác chính.

Mình thò chân xuống dòng nước ấy rồi lại co lên vội vì nước lạnh hơn mình nghĩ. Nhưng cái cảm giác đó nó sướng ơi là sướng khi cả tháng nay mình chỉ “tắm” trong mồ hôi mà thôi. Lấy hết sự phấn khích đó để làm động lực nhảy ùm vào chiếc hồ nước nhỏ ấy. Woohoo!! Đã quá đã luôn!  Mình không biết là những người khách khác ở bên phía dưới có nghe thấy tiếng hú đầy phấn khích của mình không nữa? Nhưng mà cảm giác rất là đã luôn nha!

Trải nghiệm với Khánh Sơn Ecotourism

Bơi lội trong hồ nước mát lạnh ấy chán chê rồi, mình lại đi xuống khu vực hạ lưu của con thác để chill cùng với mấy anh em bên Khánh Sơn Ecotourism – một nhóm nhỏ các bạn trẻ quê ở Khánh Sơn chuyên tổ chức các chuyến đi, trải nghiệm gần gũi với thiên nhiên ở địa phương để quảng bá quê hương của họ và góp phần tạo thêm thu nhập cho người dân đồng bào Raglai lân cận.

Lúc mình đến, các bạn ấy đã chuẩn bị sẵn những chiếc ván SUP để các vị khách có chèo trên mặt hồ yên ả, phía nông hơn thì được đặt những bộ bàn ghế để thưởng thức những bữa trưa do chính các bạn ấy nấu tại chỗ.

Cái cảm giác ngồi ăn trên dòng suối chảy mát lạnh như này nó thích lắm luôn, lâu lâu còn thấy nhột nhột dưới chân vì mấy con cá nó rỉa những miếng da chết nữa. Chưa hết, các bạn còn khui những múi sầu riêng thơm nứt mũi và cắt những lát dứa ngọt lịm để mọi người tráng miệng nữa chứ, đây là 2 trong số nhiều trái cây nổi tiếng vùng núi Khánh Sơn này đó.

Dù thời gian ở thác Tà Gụ này không nhiều, nhưng cho mình thấy một góc mới của du lịch Khánh Hoà, nơi mà các giác quan như được đánh thức vậy. Tai được nghe âm thanh của dòng nước cao 40m đổ thẳng xuống; mắt được ngắm nhìn thiên nhiên hoang sơ và cánh rừng nguyên sinh xanh rì đẹp mắt; mũi được hưởng mùi của cỏ cây hoa lá & không khí trong lành; miệng được nếm những vị ngon từ các món ăn, các loại trái cây…; toàn cơ thể được chạm vào làn nước mát lạnh của con thác. Bao nhiêu tinh tuý của núi rừng Khánh Sơn đều ở đây cả đó!

Dù chỉ có 2 ngày 1 đêm để đến miền núi Khánh Sơn chơi thôi, nhưng mình vẫn cảm nhận được sự ưu ái của Mẹ Thiên Nhiên khi ban tặng cho Khánh Sơn nhiều nét đẹp hoang sơ của những khu rừng nguyên sinh, những con suối, con thác trong veo và mát lạnh và một vùng đất màu mỡ để cho ra những loại trái cây chất lượng cao nữa. Ngoài ra, Khánh Sơn còn có nhiều người đồng bào dân tộc Raglai với những nét văn hóa đậm chất Tây Nguyên, sẽ là một nguyên liệu thô để Khánh Sơn thu hút thêm một lượng lớn du khách đến với mình.

Và với sự góp sức của chính quyền, của những người con nơi đây, Khánh Sơn đang dần “thức giấc” trong bản đồ du lịch của những đôi chân ham đi như mình và của bạn đó. Chờ gì nữa, xách balô lên và đến với Khánh Sơn ngay thôi nào!

Related Posts