DU LỊCH THÁI LAN TỰ TÚC – Nếu bạn đang muốn “đổi gió” để những ngày ở Bangkok trở nên đa dạng và thú vị hơn, hãy thử dành một ngày để đến với cố đô Ayutthaya để sống chậm hơn một chút và tìm hiểu về lịch sử hoành tráng của nơi này.

Cố đô Ayutthaya nằm cách Thủ đô Bangkok khoảng 85km. Để cho dễ hình dung, các bạn có thể liên tưởng đến cố đô Huế và thủ đô Hà Nội của Việt Nam mình vậy đó. Với khoảng cách khá gần như vậy, bạn có thể đi và về trong ngày được. Việc di chuyển giữa Bangkok và Ayutthaya lại còn rất thuận tiện vớitàu hỏa xuất phát từ nhà ga Hualamphong, xe buýt từ bến xe gần với trạm tàu MRT Mo Chit hay những chiếc xe minivans 16 chỗ từ trạm tàu BTS Victory Monument.  Lười nữa thì book chiếc day tour đi Cố đô Ayutthaya này trên Klook đi, đỡ tính cho mệt =))

Sau khoảng gần hai tiếng trên chiếc xe minivan 16 chỗ thì mình cũng đã đặt chân đến vùng đất cố đô Ayutthaya, cảm giác ban đầu như kiểu từ thành phố về vùng nông thôn vậy, xung quanh khá vắng vẻ, không ồn ào tiếng rồ ga của những chiếc xe Tuk Tuk như ở Bangkok. Vậy thôi mà cảm thấy nhẹ nhàng đi hẳn.

Cố đô Ayutthaya – Di sản Thế giới được UNESCO công nhận

Cố đô Ayutthaya từng là nơi vua U Thong cai trị từ những năm cuối của thế kỷ 13. Với vị trí thuận lợi khi được bao quanh bởi ba con sông lớn ở Thái Lan, bao gồm sông Chao Phraya, sông Pa Sak và sông Lop Buri, mật độ dân cư nơi này phát triển một cách nhanh chóng lên tới con số một triệu và trở thành một trong những thành phố đông dân nhất thế giới vào những năm 1600 đến 1700. Đến khoảng năm 1765 – 1767 thì Ayutthaya trở thành chiến trường giữa đội quân của vua U Thong và đội quân Miến Điện.

Du lịch Thái Lan tự túc - cố đô Ayutthaya

Cuộc chiến này phá huỷ rất nhiều ngôi Chùa và các công trình kiến trúc độc đáo, biến Ayutthaya trở thành một vùng đất đổ nát. Sau khi đánh đuổi được quân Miến Điện, Vua U Thong dời đô về Bangkok càng khiến cho Ayutthaya trở nên ngày càng hoang tàn hơn nữa. Cho đến hôm nay khi đến vùng đất này, nó vẫn phản phất sự huy hoàng một thời qua tàn tích của chiến tranh, qua những kiến trúc đổ nát, những bức tượng Phật cháy đen,… Và cũng không lạ gì khi UNESCO công nhận Ayutthaya là một di sản Thế giới vào năm 1991.

Những ngôi Chùa cổ bị tàn phá…

Ở cố đô Ayutthaya có khoảng 300 ngôi chùa lớn nhỏ, một phần vẫn còn giữ lại được nhiều kiến trúc thời xưa, một phần đã bị chiến tranh làm đổ nát. Trong số đó phải kể đến ngôi chùa Wat Phanan Choeng được xây dựng vào năm 1324, trước cả khi Vua U Thong khai phá và lập đô tại Ayutthaya 26 năm. Có truyền thuyết kể về sự xuất hiện của ngôi chùa này rằng, ngày xưa, có một vị Vua Thái tên là Phra Chao Sai Namphung đã ngỏ lời cưới con gái của Hoàng đế Trung Quốc. Được sự đồng ý, cô gái ấy đã lặn lội đến vùng đất này trên một con thuyền. Tuy nhiên, khi cô ấy đến, vị Vua đã không ra đón chào như lúc hỏi cưới cô ấy và cũng không gặp cô gái ấy trong một thời gian dài. Vì quá buồn tủi, cô gái ấy đã tự vẫn. Khi vị Vua trở lại và biết tin đó, ông đã rất đau lòng và cho lập ngôi chùa này ngay nơi an nghỉ của cô ấy để thể hiện lòng tiếc thương với cô gái ấy.

Điều đặc biệt ở ngôi chùa này là bức tượng Phật khổng lồ đang ngồi với tư thế Subduing Mara. Bức tượng này được làm bằng gạch, vữa, có chiều rộng 14 mét và chiều cao 19 mét. Đối với người Thái, đây là bức tượng lớn nhất, lâu đời nhất và đẹp nhất, vì vậy họ còn gọi bức tượng này là “Vị cha đáng kính”. Ngôi chùa này luôn đông đúc những người dân Thái đến để lễ Phật, họ dâng những vải màu vàng đồng, họ dán những miếng vàng lá mỏng lên những bức tượng Phật để cầu mong những điều tốt lành đến với họ.

Sau đó, mình đến với Wat Yai Chai Mong Kol vì ấn tượng với độ cao của ngọn Bảo Tháp có hình dáng giống chiếc chuông theo phong cách của Srilanka, cao đến nỗi gần như đứng ở đâu trong Ayutthaya cũng sẽ thấy ngọn tháp ấy vậy.

Ngôi chùa được thành lập vào năm 1357 dưới thời vua U Thong để đón các tu sĩ Phật giáo trở về từ tu viện Phra Wanaratanathen ở Ceylon (tên thời xưa của Srilanka). Vào năm 1592, nơi đây từng chứng kiến trận thắng của vua Naresuan khi đấu một chọi một với Thái tử Miến Điện và đuổi quân xâm lược Miến Điện khỏi Ayutthaya lúc đó. Và để kỷ niệm cho chiến thắng này, nhà vua đã ra lệnh xây dựng Bảo tháp Chai Mongkhong và đổi tên ngôi chùa từ Wat Pa Kaeo thành Wat Yai Chai MongKol – có nghĩa là “Ngôi chùa vĩ đại của chiến thắng”

Điểm nhấn của ngôi Chùa này là ngọn Bảo Tháp cao 60 mét với cầu thang thẳng tắp dẫn vào bên trong của Bảo Tháp. Hai bên lối dẫn vào là hai bức tượng Phật khá lớn đang ngồi giữa những bức tường đã bị phá vỡ trong chiến tranh. Nếu bạn yêu thích bộ phim Tây Du Ký sản xuất năm 1986 huyền thoại thì có thể nhận ra đoạn mở đầu của tập 24 được quay ở ngay góc chân cầu thang này đó. Bên trong Bảo tháp có một vài tượng Phật nhỏ và một chiếc giếng cổ không có nước nhưng lại có một gáo nước. Người dân đến đây để thả những đồng xu và nguyện cầu may mắn. Bốn mặt bên ngoài Bảo tháp là các bức tượng Phật đang ngồi niết bàn và hàng trăm bức tượng Phật nhỏ khác xếp liền kề nhau.

Phía đối diện ngọn Bảo tháp còn có một bức tượng Phật lớn được phủ bằng lớp vải vàng đặc trưng đang nằm với mặt hướng về phía mặt trời mọc. Nơi đây từng là thiền đường nhưng cũng đã bị tàn phá trong những năm tháng quân Miến Điện xâm lược Ayutthaya.

Rời Wat Yai Chai MongKol, mình tiếp tục di chuyển đến Wat Maha That được vua Boromma Rachathirat Đệ Nhất cho xây dựng vào năm 1374, nơi được xem là Di tích kỳ vĩ và từng là một trong những ngôi chùa quan trọng nhất ở vương quốc Ayutthaya. Wat Maha That không chỉ là trung tâm tôn giáo mà còn là nơi lưu trữ rất nhiều bảo vật quý của Đức Phật. Tuy nhiên, vào khoảng năm 1767, Wat Maha That đã bị đốt cháy và bị phá hủy phần lớn công trình. Ngày nay, nơi đây vẫn còn giữ gần như nguyên trạng những gì bị phá hủy, những bức tượng phật mất đầu, mất thân, đổ, bể vẫn còn nằm ngổn ngang. Phần đầu của những bức tượng Phật lúc này được xem là kho báu cho những kẻ trộm nên phần lớn các bức tượng Phật ở đây đều bị mất đầu.

Tuy nhiên, Wat Maha That lại được biết đến nhiều qua chiếc đầu tượng Phật nhô ra từ gốc của một cây cổ thụ với gương mặt thánh thiện và hơi mỉm cười. Không có giấy tờ nào giải thích vì sao lại có một đầu tượng Phật ở vị trí như vậy mà chỉ có một vài giả thuyết được đưa ra rằng trong cuộc chiến tranh với Miến Điện, một binh lính nào đó đã lấy và đặt chiếc đầu tượng Phật này vào một gốc cây để giấu đi, dần về sau cây phát triển mới và ôm trọn chiếc đầu tượng ấy. Và cũng có câu chuyện rằng, ngày xưa tên trộm kho báu đã giấu chiếc đầu tượng Phật này ở gốc cây để quay lại lấy sau, nhưng hắn ta đã không thể thực hiện được việc ấy. Để có thể chụp hình bức tượng này, du khách được yêu cầu phải ngồi xuống hoặc quỳ xuống chụp để tỏ lòng thành kính với Đức Phật.

Wat Maha That được xây dựng với lối kiến trúc của người Khmer nên họ luôn tin rằng một ngôi Chùa phải được xây dựng chính xác dựa trên một hệ thống khoa học rõ ràng để nó hoạt động hài hòa với vũ trụ. Như là, lối đi vào Chùa phải là hướng Đông vì đây là hướng mặt trời mọc sẽ mang lại nhiều điều tốt lành, hướng Tây được coi là hướng xấu, hướng Bắc cũng tốt và hướng Nam là hướng trung tính. Và ngôi Chùa được xây dựng với một tòa tháp ở trung tâm với bốn tháp khác ở bốn góc. Dọc con đường xung quanh Tòa tháp trung tâm có nhiều tượng Phật xếp thành một hàng dài, tuy nhiên tất cả đều mất phần đầu.

Chợ nổi Ayutthaya đa dạng món ăn ngon

Cố đô Ayutthaya đâu chỉ có những ngôi Chùa mà còn có khu chợ nổi rộng khoảng 28 hecta ở trong khu làng Pang Chang nữa. Khu chợ này được hình thành với ý nghĩa bảo tồn di sản văn hóa của người dân cố đô Ayutthaya là chính, họ vẫn còn giữ các kiến trúc từ thời xưa đến giờ.

Tuy nhiên, khác với những chợ nổi bạn có thể biết, đến đây thì chỉ thấy những chiếc thuyền đã được đóng cố định ở trên mặt sông, giáp ranh với lối đi bộ của du khách và họ mở bán những mặt hàng và món ăn đậm chất địa phương của vùng này. Không chỉ bán ở dưới thuyền đó, có nhiều sạp hàng, quán ăn khác được sắp xếp dọc quanh lối đi của du khách và giá đồ ăn ở đây khá rẻ so với Bangkok.

Ngoài ra, bạn có thể dành chút thời gian để trải nghiệm đi thuyền quanh khu chợ nổi này để có cái nhìn tổng quan hơn về nơi này. Chiếc thuyền có cách hoạt động cũng lạ, thay vì dùng bánh lái và chân vịt thì họ lại dùng máy bơm nước và chiếc thuyền di chuyển bằng lực đẩy của nước từ máy bơm nên ở nhiều đoạn cảm giác chiếc thuyền di chuyển rất chậm và ì ạch. Nhưng đó cũng là một trải nghiệm thú vị khi đến với chợ nổi Ayutthaya.

Khi đã no bụng sau khi thưởng thức những món ngon và rẻ ở chợ nổi cũng là lúc trời chiều đã dần buông. Mình lại lên xe để trở lại thủ đô Bangkok với những hình ảnh và câu chuyện thú vị đằng sau những bức tượng Phật và những ngôi Chùa bị tàn phá trong chiến tranh. Cố đô Ayutthaya có sự trầm buồn nhất định nhưng vẫn còn nhiều nét uy nghi của những gì còn xót lại. Chuyếnđi đến Thái Lan của mình trở nên nhiều màu sắc hơn khi dành mộtngày rời nơi ồn ào náo nhiệt như Bangkok để sốngchậm lại, đi chậm lại và ngắm nhìn thế giới rõ hơn.

Related Posts