Nằm ẩn mình trong lòng Vườn Quốc Gia Cát Tiên, Bàu Sấu là một chốn bình yên cho những người yêu thiên nhiên và muốn khám phá cuộc sống của các động vật hoang dã cũng như sự đa dạng sinh học ở trong khu vườn này. Trong bài viết này, hãy cùng Travel blogger Vinh Gấu khám phá về cuộc sống của hàng trăm con cá sấu xiêm và của các anh ở Trạm kiểm lâm Bàu Sấu nha.

BÀI VIẾT DU LỊCH VIỆT NAM KHÁC

Thác Tà Gụ – Vẻ đẹp hoang sơ của du lịch Khánh Sơn

CHILL Ở THE SUNSET GLAMPING BÌNH LẬP – CAM RANH

Bàu Sấu ở đâu?

Vườn Quốc gia Cát Tiên có diện tích hơn 71.000 ha, trải dài trên 3 tỉnh (gồm: Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước) và được bao quanh bởi hơn 80km sông Đồng Nai. Nhờ vậy, Vườn quốc gia Cát Tiên là nơi có sự đa dạng sinh học phong phú và được UNESCO công nhận là khu Dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2001, được Ban Thư ký công ước Ramsar công nhận là khu ngập nước có tầm quan trọng quốc tế vào năm 2005 và được Chính phủ Việt Nam xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2012.

Nhờ vậy, Vườn quốc gia Cát tiên trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách ở mọi lứa tuổi để tìm về rừng, tìm đến những loài gỗ quý, những cây đại thụ hàng trăm năm tuổi hay để quan sát các loài chim, loài thú quý hiếm… Đặc biệt, để tận hưởng không khí trong lành của rừng mưa nhiệt đới nữa.

Với mình, Bàu Sấu là nơi đáng để khám phá nhất trong khu Vườn quốc gia Cát Tiên ấy.

Bàu Sấu là một vùng đất ngập nước nằm ở phía Nam của Vườn quốc gia Cát Tiên và là nơi sinh sống của loài cá sấu nước ngọt, hay còn gọi là cá sấu xiêm mà tưởng chừng đã tuyệt chủng trước đây. Điều này cũng giải thích vì sao vùng này gọi là Bàu Sấu rồi đó. Vào mùa mưa, diện tích mặt bàu nước ở đây có thể lên đến 2500 ha, còn vào mùa hè, diện tích chỉ còn 100 – 150 ha.

Bàu Sấu vào một chiều hoàng hôn

Đây là lần đầu tiên mình đến với Bàu Sấu và mình bị choáng ngợp trước hàng trăm con cá sấu bơi lội trong chiếc hồ ngay trước mặt mình, khiến mỗi bước chân trở nên thận trọng hơn, nhưng bù lại, mình mê mẩn với vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ và không gian cực kỳ yên tĩnh của nơi này.

Cách đến Bàu Sấu như thế nào?

Về mặt địa lý, Vườn quốc gia Cát Tiên nằm cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 150km với thời gian di chuyển khoảng 3 tiếng. Sau khi mua vé xong, bạn cần đi trên một chuyến phà ngắn qua sông Đồng Nai để đến trung tâm Vườn quốc gia. Tính từ đây, đoạn đường đến Bàu Sấu có diều dài khoảng 14km, trong đó bao gồm 9km đường xe chạy và 5km đường đi bộ xuyên rừng.

Vì Bàu Sấu là vùng đặc hữu được bảo vệ và quản lý bởi Trạm kiểm lâm Bàu Sấu, để vào tới đây, ngoài việc mua vé tham quan Vườn quốc gia Cát Tiên, bạn còn phải mua thêm vé tham quan Bàu Sấu với giá vé là 250.000/người. Nếu tự ý vào đây, bạn có thể bị phạt đó.

Trong 9km đầu tiên, bạn có thể lựa chọn di chuyển bằng xe chuyên dụng của Vườn hoặc thuê xe đạp để tự khám phá. Trên đoạn đường này có nhiều điểm tham quan thú vị lắm. Và, chặng đường 5km còn lại là một hành trình đi bộ băng rừng để tận hưởng sự trong lành và cảm nhận thiên nhiên một cách trọn vẹn trên từng bước chân.

Bàu Sấu có gì đặc biệt?

Sự bình yên hoang dã

Nằm tách biệt với những gì đang diễn ra ở thế giới bên ngoài, Bàu Sấu là nơi chắc chắn có thể đem đến cho mọi du khách sự bình yên ở một không gian có ba không – không internet, không sóng điện thoại và không tiếng ồn.

Có như vậy, bạn sẽ buông được chiếc điện thoại, iPad và máy tính ra để cùng tận hưởng thời gian chất lượng ấy cùng với những người thân yêu của bạn, có thời gian để kết nối sâu hơn với nhau và có mặt cho nhau nữa.

Ngày mình tạm biệt anh Huy, nhân viên trạm kiểm lâm Bàu Sấu, anh ấy bảo rằng: “Ở trong này chán quá em, chẳng có tiếng xe cộ hay tiếng còi xe gì cả, chỉ toàn tiếng chim muông, tiếng các loài thú không àh…”, vừa nói vừa “diễn” nét mặt buồn buồn nữa chứ. Mình biết anh ấy chỉ có ý giỡn với mình khi biết mình sắp trở lại Thành phố, nơi lúc nào cũng chật chội và ồn ào ấy.

Mà đúng thật. Ngoài những lúc mấy anh em gặp nhau, ăn uống và nói chuyện cùng nhau thì chẳng có tiếng ồn nào khác cả. Chỉ cần yên tĩnh một xíu thì có thể nghe được tiếng những đàn chim ríu rít gọi nhau, hay tiếng động từ những cành cây mà loài khỉ đuôi dài nhảy nhót ở trên đó, hay có khi là tiếng của mấy bạn tắc kè bông đang lang thang ở trên mấy cái mái nhà ở đây nữa.

Bàu Sấu còn là điểm dừng chân của nhiều loài chim di cư, tạo nên một bức tranh sống động, nơi âm thanh của thiên nhiên hòa quyện vào không gian yên tĩnh, khiến mình thích thú và choáng ngợp. Nhất là khi mặt trời dần lặn xuống, không gian càng trở nên thơ mộng hơn khi những cánh chim ấy bay ngang qua mặt trời đỏ rực và tròn vo ở phía xa xa kia. Sướng nhất là được cầm ly cà phê nhâm nhi và tận hưởng khung cảnh này.

Và khi đêm xuống, những âm thanh ấy sẽ nhỏ lại dần và thay bằng những bước chân nhẹ nhàng của mấy bạn nai, hoặc bạn culi khi lang thang đi kiếm ăn. Để thấy chúng, các anh kiểm lâm sẽ đứng từ các chòi canh và rọi đèn xung quanh. Rồi dựa vào sự phản xạ của đôi mắt với ánh sáng ấy, mình sẽ biết đó là con vật gì.

Nhưng điều khiến mình “nổi da gà” nhất là khi rọi đèn xuống khu bàu, hàng trăm cặp mắt sáng bừng của cá sấu đang nhô lên trên khỏi mặt nước và nhẹ nhàng bơi lội để trông chờ sự sơ hở của các loài động vật khác để tấn công.

Giữa rừng xanh ấy, Bàu Sấu tĩnh lặng nhưng sống động, thuần khiết nhưng hoang dã.

Những bữa ăn organic chỉ có ở Bàu Sấu

Khi đến Bàu Sấu, mọi người có thể đặt các phần ăn cơm theo buổi nha. Dù mình có hỏi về thực đơn thì các anh kiểm lâm cũng chỉ bảo là: “ở đây không có thực đơn, ngày đó mình đánh bắt được con gì, rau trong vườn có gì thì mình ăn món đó thôi”. Nhiêu đó thôi cũng thấy thú vị với cái đứa ham ăn như mình rồi.

Mình để ý thấy, ngoài những món thịt phải mua ở ngoài chợ và đem vào tận đây ra, còn lại chủ yếu là món rau và các món cá, như là: cá chiên, cá nướng bếp củi, cá kho, cá tẩm bột,… Mình ấn tượng nhất là món cá mùi shasimi, ngon ngọt tuyệt vời luôn. Sở dĩ bữa ăn có nhiều món cá là vì ở đây là nơi sinh sống của loài cá rô mùi, một loài cá ngoại lai và được phép đánh bắt để phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày. Đây cũng là một trong những loại thức ăn của bầy cá sấu trong bàu này.

Ngoài ra, ở giữa bàu còn có một mô đất nhô lên và xung quanh đó có nhiều rau muống nữa. Hoặc chỉ cần lang thang ở trong khu vườn rau nhỏ phía trước khuôn viên sinh hoạt của kiểm lâm thôi là đã có một rổ rau các thể loại để đem về ăn rồi.

Nếu đi nhóm nhỏ, các bữa ăn thường được ăn chung với các anh kiểm lâm ở đây luôn. Điều này tạo nên sự gắn kết hơn để hiểu được sự khó khăn của họ khi sống ở một nơi biệt lập như thế này và cũng là cơ hội để bạn có thể tìm hiểu nhiều hơn về thiên nhiên ở quanh Bàu Sấu này. Các anh kiểm lâm ở đây như cuốn atlas vậy áh, gì cũng biết.

Cung đường xuyên rừng nguyên sinh tuyệt đẹp

Tính từ ngã ba Bàu Sấu, nơi bạn có thể để chiếc xe đạp lại và bắt đầu hành trình đi bộ xuyên rừng để đến với trạm kiểm lâm Bàu Sấu. Đoạn đường này có chiều dài khoảng 5 km. Đường nhỏ và đã được lót đá rồi nên cũng dễ đi lắm. Lâu lâu có vài con dốc nhỏ thôi, rất dễ để bạn và gia đình trải nghiệm.

Vài phút sau, xung quanh mình chỉ còn là một màu xanh của rừng. Lúc ấy chỉ toàn cây là cây, có cây nhỏ, có cây to với những chiếc lá cây nhiều kích cỡ và chen chúc nhau khiến cho ánh nắng cũng chẳng dễ dàng gì mấy mà xuyên qua để rọi xuống con đường. Nhờ vậy mà mình đã cảm nhận được sự mát mẻ của khu rừng này trong cái nắng chói chang, khiến cho mình cũng thoải mái, thong dong bước đi trên con đường đá đã phủ lớp rêu xanh rồi.

Trên cây là những loài chim ríu ra ríu rít suốt buổi, có khi mình còn nghe tiếng cọc cọc của loài chim gõ kiến đang mổ nhiệt tình lên những thân cây nữa.

Ngoài ra, mình còn nghe mùi của sự hoang sơ ở đây nữa, mùi của đất, của lá cây và mùi của mấy loài động vật hoang dã sinh sống trong khu rừng này nữa.

Sau khi đi khoảng 3km, mình gặp cây Tung cổ thụ hơn 400 năm tuổi. Mình đã phải khựng lại vài nhịp khi thấy cây này. Chỉ ngước nhìn lên để tìm ngọn cây thôi cũng thấy mỏi cổ rồi và mình thật nhỏ bé khi đến gần với cây này. Bộ rễ của cây này có hình dáng bạnh vè, nổi trên mặt đất cao hơn cả đầu mình, nhìn cũng “dị dị” lắm. Bởi vậy, cây Tung cổ thụ còn được gọi là “Thằn lằn sấm” của vườn quốc gia Cát Tiên này mà.

Cây Tung cổ thụ ở Bàu Sấu (Vườn quốc gia Cát Tiên)

Vậy đó, Bàu Sấu không chỉ khiến cho những ai yêu thích thiên nhiên mê mẩn, mà còn là điểm đến lý tưởng để bạn và gia đình tận hưởng thời gian bình yên giữa lòng Vườn quốc gia Cát Tiên. Qua đó, bạn có thể hiểu hơn những giá trị thiên nhiên vô giá và biết cách bảo vệ môi trường sống cũng như các loài động vật hoang dã.

Các khoản chi phí để đến Bàu Sấu

  • Giá vé vào cổng & đi phà: 60.000đ/người
  • Giá vé tham quan Bàu Sấu: 250.000đ/người
  • Lưu trú tại Bàu Sấu: từ 750.000đ đến 1.600.000đ/đêm/phòng 2-4 người. Nên liên hệ đặt phòng trước vì số lượng phòng rất có hạn.
  • Bữa ăn tại Bàu Sấu: 120.000đ/người/bữa chính, 30.000đ/người/bữa sáng
  • Thuê xe đạp: 150.000đ/ngày/chiếc xe

Các lưu ý khác về Bàu Sấu

  • Bàu Sấu sử dụng điện năng lượng mặt trời nên thường sẽ cắt điện sau 10h tối, vì vậy bạn nên mang theo pin sạc dự phòng, quạt điện, đèn pin,…
  • Nên đem theo tiền mặt để thanh toán khi sử dụng các dịch vụ vì ở đây không có internet hay 4G để chuyển khoản
  • Sử dụng các loại xịt chống côn trùng khi đi xuyên rừng và khi lưu trú tại Bàu Sấu
  • Hạn chế việc sử dụng nhựa một lần
  • Tham khảo thêm tại trang web của Vườn quốc gia Cát Tiên nha.
Related Posts