Mình luôn thích những thứ cổ cổ như chuyện mình thích ngắm nhìn những kiểu nhà xưa, những ô cửa gỗ đậm màu thời gian, những màu trầm trầm ở những khu phố, con đường,… nên những ngày lang thang ở Tân Đài Bắc, cứ qua mỗi quận là lại bị phải lòng con đường cổ ở cái xứ này.

Những con đường cổ ở Đài Loan thường có Đền thờ ngay ở đầu đường hoặc nằm ngay trong khu họ sống luôn. Vì từ thời xưa khi mà người Đài Loan sống theo từng cụm từng cụm, họ thường lập nên những Đền thờ ở gần khu họ ở để tiện cho việc xin – tạ lễ các vị Thần. Đây cũng có thể coi là “điểm nhấn” ở những con đường cổ của Đài Loan. Mỗi con đường cổ đều có một điều hấp dẫn và độc đáo gì đó, như con đường cổ Yingge thì nổi tiếng về đồ xứ, đường cổ Jiufen nổi tiếng với những tea-house,… điểm chung là ở con đường nào cũng có món ngon xuất sắc!!! Mặc dù bây giờ các đường cổ đều trở thành điểm du lịch, nhưng người ta vẫn cố gắng giữ gìn những không gian, đồ vật,… của thời xa xưa ấy, có vậy mới giữ chân khách được chứ.

Nói chi cho xa, riêng thành phố Tân Đài Bắc đã có ít nhất 12 con đường cổ rồi, bình quân thì mỗi quận ở Tân Đài Bắc là có một con đường cổ. =)) Để kể nghe về mấy con đường cổ mình phải lòng ở đây nha. 😛

1. Jiufen Old Street – Đường cổ Cửu Phần

Con đường cổ này quá nổi tiếng rồi. Kiểu như là đến Đài Loan mà không đến con đường này để “check-in” thì quả thật là thiếu sót. :3

Trước đây, làng Cửu Phần (Jiufen) được biết đến là trung tâm của các mỏ vàng. Ngôi làng nhỏ xinh này có địa thế rất đẹp khi nằm giữa các ngọn đồi, kế bên là núi và trước mặt là biển. Vì vậy, làng Cửu Phần luôn có thời tiết ẩm ướt, sương mù tạo nên một không gian lãng mạn và nên thơ. Ngày xưa, ngôi làng này chỉ có 9 hộ dân sinh sống, việc đi lại rất khó khăn. Mỗi khi có ai đó trong làng đi chợ mua trái cây, đồ ăn và những vật dụng khác cho gia đình, họ sẽ mua và chia ra làm 9 phần cho 9 hộ gia đình. Từ đó hình thành nên “Cửu Phần”, nghĩa là “9 phần”.

Còn ngày nay, Cửu Phần được biết đến là “con đường cổ” với lối kiến trúc đặc sắc khi men theo sườn đồi rất nhiều cửa hàng bán các món ăn vặt đặc trưng của xứ Đài và các cửa hàng bán quà lưu niệm đặc sắc tạo nên một cảnh quan đẹp mê lòng người.

Ngoài chuyện bạn tha hồ shopping những món quà lưu niệm, tới Jiufen thì không thể bỏ qua các món ăn như là món đậu hủ nhồi thịt hấp của các chị người Việt bán ở gần đầu đường, món kem cuộn đậu phộng bào bán dọc con đường chính, món chè Taro nằm ở đầu dốc của đường Shuqui…

và không thể bỏ qua việc trải nghiệm thẩm trà tại các tea-house. Mình gợi ý các bạn đến Jioufen Teahouse nha, đây là tea-house đầu tiên ở Jiufen đó. 😀 Có thể mua voucher giảm giá Ở ĐÂY nha.

Đến đây họ sẽ bày các loại nồi nước nóng, ấm nước, ly, trà,… như chơi đồ hàng rồi làm từng bước để bạn có thể thưởng thức vị trà tuyệt vời ở xứ này và ngắm nhìn cảnh biển hướng về Kêlung. Đã mắt lắm!

Cách đến Jiufen Old Street: đi tàu đến trạm Ruifang và đón xe Keelung Bus số 825, 827 đến trạm Jiufen.

Hoặc, có thể tham khảo Day-tour của KKDay để ghé Jiufen, Shifen và Yehliu trong một ngày cho tiện TẠI ĐÂY nha.

2. Shifen Old Street – Đường cổ Thập Phần

Nếu bạn đã từng xem film “You are the apple of my eyes” thì sẽ thấy nhiều cảnh quen thuộc của Shifen trên đó lắm.

Shifen nổi tiếng với những chiếc đèn trời bay cao. Bạn có thể dễ dàng tìm được sạp hàng bán đèn trời của người Việt ở trên con đường này. Giá ở đây là đồng giá nên khỏi mất công đi hỏi giá chi cho mệt, ưng chỗ nào vào mua luôn cho gọn, 150NT$ cho đèn đơn sắc và 200NT$ cho đèn đa sắc. Mỗi màu đều có ý nghĩa riêng, như màu vàng mang ý nghĩa tiền tài, màu đỏ mang ý nghĩa sức khoẻ… rồi bạn viết lời chúc lên đó, đốt và thả lên trời thôi. ^^

Và, con đường ray tàu ngay sát khu dân sinh. Cứ khoảng 10-15 phút là có một chuyến tàu chạy ngang, cả con đường đều dồn hết lên lề để nhường đường tàu chạy. Rồi khi tàu đi ngang, mọi người lại nhào ra giữa đường ray xe lửa mà chụp hình và thả đèn trời.

Àh, đến đây rồi thì ra cây cầu dài nhất quận Pingxi có tên là Jingan luôn nha, trên cầu còn có những “chiếc ống tre ước nguyện” được treo để hy vọng điều ước họ ghi trên đó thành hiện thực.

Đi xa hơn Shifen Old Street một xíu là thác nước Shifen khá là đẹp mắt. 😀

Cách đến Shifen Old Street: đi tàu đến trạm Ruifang và đón xe Keelung Bus đến Shifen Old Street

Hoặc, nếu đi đông có thể thuê luôn một chiếc xe có người lái để chở đi chơi cho thoải mái. 😀 Tham khảo TẠI ĐÂY nhen. ^^

3. Pingxi Old Street

Từ trạm tàu Shifen, đi thêm vài trạm nữa là tới trạm tàu Pingxi, thả vài bước đi bộ ra phía sau ấy là con đường cổ Pingxi. Những ngôi nhà ở đây nằm dọc trên con đường dốc thoai thoải và đường được lót bởi những phiến đá đều đặn. Ở đường cổ Pingxi cũng được biết đến với những chiếc đèn trời nhưng sẽ không đông vui như ở Shifen đâu. Nếu bạn thích vắng vẻ thì về đây thả nha 😀

Còn mình thì chỉ nhớ món xôi kẹp xúc xích tươi chiên thôi. Có tí tiêu trong đấy nữa. Ăn thơm ngon dzách lầu :v

Cách đến Pingxi Old Street: đi tàu đến trạm Ruifang hoặc Badu, chuyển qua tàu tuyến Pingxi Line và xuống ở trạm Pingxi

4. Jinshan Old Street

Tên gọi cũ của con đường này là “Jinbaoli” – nghĩa là “vùng đất bội thu”. Và với lợi thế là nằm gần cảng cá, gần các mỏ than và trung tâm của vùng vịnh Đông Bắc nên Jinshan Old Street trở thành “Nguyễn Huệ – Quận 1” của Jinshan luôn.

Các cửa hàng bán thảo dược và nông sản ở đây có tuổi đời cũng hơn một thế kỷ rồi chứ chẳng ít. Và, một trong những sản phẩm nổi tiếng của Jinshan là khoai lang. Bạn sẽ thấy nhiều sạp hàng bán món Khoai lang này lắm nha.

Các loại khoai này còn được dùng để làm nguyên liệu cho chè Taro nữa. Taro ở đây to gấp 6-7 lần so với Taro ở trên Jiufen, cắn miếng nào đã miệng miếng đó và thơm mùi khoai lắm luôn – ở Jiufen mình không cảm nhận được mùi này lắm 😀 Với mình bây giờ Taro ở Jinshan mới là số 1! kkk

Nổi tiếng sau đó là các món vịt. Vịt thường được luộc, chặt ra như ở Việt Nam mình thôi. Quán vịt nằm ở giữa con đường này có tuổi đời hơn 30 năm rồi, nằm ngay trước Đền Guangan luôn, lúc nào cũng đông nghẹt người và hàng xếp dài. Dài quá mình chẳng có hứng xếp luôn :))))

Cách đến Jinshan Old Street: Đi MRT đến trạm Tamsui, chuyển qua shuttle bus tuyến “Crown Northern Coastline” và xuống ở trạm Jinshan

5. Sanxia Old Street

Nhờ vào vị trí ở chân đồi núi mà Phố cổ Sanxia trở thành trung tâm phân phối các mặt hàng quan trọng cho khu vực miền Bắc Đài Loan. Dần dần mất dần lợi thế so với những khu vực lân cận thì nơi này được giữ gìn để bảo tồn giá trị văn hoá vùng này.

Đầu đường vào có cái Đền thờ nghe nói thiêng lắm và để biểu tượng cục vàng to oành ở trước nên mình nghĩ đây là Đền thờ Thần Tài (hoặc tương tự vậy). Mình mặc 3 lỗ quần đùi nên hông vào trong xem sao 😀

Đây có lẽ là phố cổ mình thấy kiểu thiết kế nhà cửa lạ nhất so với các khu phố cổ khác. Kiến trúc ở đây được tô đậm bằng những ngôi nhà gạch đỏ với hành lang nối liền với nhau. Ở đây các ngôi nhà vẫn còn được bảo tồn như cũ và được dùng để làm shop bán các mặt hàng như là đồ chơi, đồ trang trí nhà, trà, quần áo,… so sánh cho dễ thì nó như phố cổ Hội An mình vậy áh.

Các sản phẩm nổi tiếng ở đây là thuốc nhuộm màu tự nhiên, long não, trà, hàng thủ công mỹ nghệ,… àh, còn có món trứng gà ủ trà ô-long nữa chứ. ^^

Cách đến Sanxia Old Street: đi MRT xuống trạm Yongning và đi xe bus 916 để xuống trạm Sanxia Old Street

6. Tamsui Old Street

Khu phố cổ này bao gồm 3 con đường (Chongjian, Zhongzheng và Quinghuis) và có lẽ đây là khu phố cổ có vị trí đẹp nhất Tân Đài Bắc vì một bên là dòng sông Tamsui yên ả hiền hoà và xinh đẹp, một bên là dãy các sạp hàng bán các món ăn kiểu street food.

Nổi bật khu này là món Mực, cứ vài bước chân là sẽ thấy ngay một sạp bán mực mới ghê chứ, không bán món nướng thì sẽ là món chiên giòn. :)))

Ah, món đậu hủ thúi ở đâu cũng ô xờ cê lắm nha. Đứng từ xa nghe mùi thum thủm vậy chứ khi ăn vào sẽ chẳng còn mùi đấy nữa đâu. Nôm na như kiểu người nước ngoài ăn món sầu riêng ở xứ mình vậy. :v

Phía sau con đường này là một con đường khác với 2 dãy nhà bán đủ loại mặt hàng, từ giày dép, quần áo, balo túi xách đến các món ăn truyền thống của người Đài Loan, trà sữa tá lả nữa.

Và cũng từ đây bạn có thể mua vé để đi tàu cano sang Fisherman’s Wharf chơi để hóng gió trên cây cầu Lover’s Bridge và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hoàng hôn nơi này nha.

Cách đến Tamsui Old Street: Đi MRT đến trạm Tamsui

7. Wulai Old Street

Con đường này khá thú vị. Vì Wulai là nơi thổ dân Atayal sống và phát triển xưa kia nên không gian nơi đây và nhiều sạp hàng vẫn bày bán những món quà lưu niệm của người thổ dân Atayal. Xen kẽ ấy là nhiều sạp bán món ăn phổ biến nơi này như là cơm nhồi ống tre, tôm sông, cá sông, rau củ và các loại nấm to đùng. Ngon lắm nha.

Ngoài ra, ở Wulai còn được biết đến với thác nước Wulai cao hơn 80m và là thác nước cao nhất miền Bắc Đài Loan. Bạn có thể trải nghiệm đi “chuyến tàu đặc biệt” mang tên Wulai Log Cart vì phương tiện này được dùng lại từ tàu chở gỗ, dụng cụ khai thác gỗ,… ngày xưa.

Ah, đến  Wulai nhất định không bỏ qua vụ tắm suối nước nóng nha. Suối nước nóng ở đây có chứa chất Sodium bicarbonate, có công dụng tẩy tế bào chết và thúc đẩy sự trao đổi chất, giúp bạn có được làn da trắng mịn mềm mại. Khuyến khích các bạn tắm ở phòng tắm riêng ở Pause Landis Resort nha, nước nóng ở đây là nước suối tự nhiên nên không phải lo gì hết ha. ^^

Mình có riêng một bài viết về Wulai, các bạn xem Ở ĐÂY nhé.

Cách đến Wulai Old Street: Đi MRT đến trạm Xindia, đi xe bus 849 và xuống ở trạm cuối Wulai

8. Yingge Old Street

Bạn nào yêu thích trang trí nhà cửa bằng đồ gốm xứ thì tuyệt đối không nên bỏ qua con đường cổ này nhé. Nơi đây tập trung hàng trăm cửa hàng bày bán đủ loại thiết kế mẫu mã của những set ấm trà, bình rượu, lọ hoa, chén bát dĩa,… với giá rẻ òm đến mắc lòi tuỳ mặt hàng luôn. Chỉ tốn tầm vài chục nghìn đồng là đã có được một cái dĩa, cái tô,… đẹp rồi. ^^

Đất sét ở vùng này có chất lượng rất ngon lành để sản xuất đồ gồm nên quanh đây xuất hiện nhiều lò nung hơn cả thế kỷ qua. Danh tiếng về đồ gốm ở xứ này bắt đầu được lan truyền khi các thợ gốm bắt đầu tạo ra những bộ ấm trà chất lượng cao để dùng kèm với loại trà đặc biệt của xứ này.

Bạn có thể tự tay làm những sản phẩm đồ xứ bạn thích hoặc có thể tham quan bảo tàng gốm sứ Yingge để hiểu rõ hơn về lịch sử làm gốm sứ, văn hoá nơi này.

Cách đến Yingge Old Street: Đi Taiwan Railway West line và xuống ở trạm tàu Yingge

Booking.com
Related Posts